Chế độ BHXH cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam

VOH - Công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam đóng BHXH phải có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được quy định tại Nghị định số 143/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành vào 15/10/2018 và Luật an toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với lao động nước ngoài.

ong-dao-minh-chanh-pho-giam-doc-trung-tam-xuc-tien-thuong-mai-va-dau-tu-thanh-pho-itpc-trao-doi-tai-hoi-nghi_20240419103517jpg_result
Đại biểu trả lời câu hỏi cho doanh nghiệp tại hội nghị đối thoại trực tiếp lần thứ 243 của Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền Thành phố

Tại hội nghị đối thoại trực tiếp lần thứ 243 của Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền Thành phố, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố tổ chức mới đây, lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã có những thông tin chia sẻ với doanh nghiệp xoay quanh nội dung này. Trong đó, đáng chú ý nhất là các quyền đóng BHXH và các chế độ cho công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

ong-tran-dung-ha-pho-giam-doc-bao-hiem-xa-hoi-thanh-pho-ho-chi-minh-chia-se-thong-tin_20240419103419jpg_result
Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM phát biểu tại hội nghị

Cụ thể, các nội dung về đối tượng, mức đóng và thủ tục hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội cho người nước ngoài tại Nghị định 143/2018/NĐ-CP cụ thể như sau:

1. Điều kiện đóng BHXH cho người nước ngoài

Tại Điều 2, Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ đã quy định rõ đối tượng áp dụng Luật bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Theo đó điều kiện để người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam đóng BHXH như sau: 

Có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu người lao động là công dân nước ngoài đáp ứng các điều kiện trên mà thuộc các trường hợp sau thì không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc:

- Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 gồm có:

Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam;

Người lao động di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng.

- Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Pháp luật.

Khi tham gia BHXH bắt buộc người lao động nước ngoài được hưởng mọi chế độ như đối với người lao động Việt Nam gồm có: chế độ ốm đau; chế độ thai sản; chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chế độ hưu trí và tử tuất.

doanh-nghiep-trao-doi-tai-hoi-nghi_20240419103408jpg_result
Doanh nghiệp trao đổi tại hội nghị

2. Mức đóng bảo hiểm xã hội cho người nước ngoài

Quy định mức đóng BHXH cho người nước ngoài tương tự như đối với người lao động Việt Nam. Theo đó, người sử dụng lao động và người lao động sẽ cùng đóng.

2.1 Mức đóng BHXH của người lao động

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 12, Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định từ ngày 1/1/2022 người lao động nước ngoài thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHXH phải đóng 8% mức tiền lương tháng tính đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất hàng tháng. 

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 18, Quyết định 595/QĐ-BHXH, người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam cũng được xem là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Do đó, người lao động nước ngoài còn phải trích đóng vào quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) lần lượt là 1,5% và 1% mức tiền lương tháng tính đóng BHXH.

Điều 30 của Thông tư 59/2015 của Bộ Lao động thương binh xã hội, tiền lương quy định để đóng BHXH cho người nước ngoài bao gồm mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung kèm theo. Tiền lương đóng BHXH tối đa bằng 20 lần lương cơ sở. Tiền lương đóng BHXH không bao gồm các khoản phúc lợi, chế độ thưởng theo Luật lao động.

2.2 Mức đóng BHXH của doanh nghiệp sử dụng người lao động

Căn cứ theo Điều 13, Nghị định 143/2018/NĐ-CP đơn vị sử dụng lao động hàng tháng trích đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động như sau: 

-       14% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 01/01/ 2022;

-       3% vào quỹ ốm đau và thai sản;

-       0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

Đối với doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, khi có văn bản đề nghị giảm mức đóng và được Bộ Lao động - Thương binh – Xã hội chấp thuận thì người sử dụng lao động sẽ chỉ phải đóng 0,3%.

Trong trường hợp người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động không phải đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản

3. Điều kiện hưởng BHXH một lần đối với người lao động nước ngoài

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 1 Điều này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội;

- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

- Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP nhưng không tiếp tục cư trú tại Việt Nam;

- Người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực mà không được gia hạn.

(Khoản 6 Điều 9 Nghị định 143/2018/NĐ-CP)

4. Mức hưởng BHXH một lần

Mức hưởng BHXH một lần được quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

- 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

- Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

5. Thời hạn giải quyết hồ sơ hưởng BHXH một lần đối với người nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động, trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bình luận