028.38225933 (Hotline) - 028 3822 1188 (FM 95.6) - 028 38291 357
icon-radio-fm-999-mhz
logo-voh-radio-online
Điện thoại: 028.38225933 - 028.38225934
Đường dây nóng bạn nghe đài: 028.3891 357 - 0948747571

Chính phủ, các bộ - ngành tích cực triển khai nhiều giải pháp, biện pháp thực hiện NQ của Quốc hội

(VOH) - Báo cáo về nội dung thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015, trong phiên họp sáng nay 16/11, cho thấy: Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, tính đến giữa năm 2015, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao thông qua ban hành 8 Nghị quyết về giám sát chuyên đề, 8 Nghị quyết về chất vấn đối với Chính phủ và các bộ - ngành.

Các đại biểu trong phiên họp sáng nay 16/11. Ảnh: Quốc Dũng

Theo đó, về cơ bản, Chính phủ, các bộ - ngành đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, biện pháp để chỉ đạo thực hiện nghiêm những yêu cầu được nêu tại các Nghị quyết của Quốc hội; có những chương trình hành động riêng hoặc gắn kết với các nội dung trong các chương trình, đề án chung của Chính phủ khi triển khai các chủ trương, định hướng của Đảng, nghị quyết của Quốc hội. Nhiều chỉ tiêu mà Quốc hội giao, Chính phủ đã thực hiện đạt hoặc vượt yêu cầu.

Cụ thể, về cơ cấu nợ Chính phủ tiếp tục thay đổi theo hướng tăng dần tỷ trọng vay nợ trong nước với lãi suất huy động có xu hướng giảm dần. Từ năm 2014, Chính phủ đã chủ động kéo dài kỳ hạn phát hành nhằm giảm dần áp lực trả nợ ngắn hạn và giảm dần đảo nợ. Phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế góp phần cơ cấu lại danh mục nợ gốc trái phiếu quốc tế của Chính phủ. Tính đến cuối năm 2014, nợ công của Việt Nam, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn bảo đảm các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép. Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức phát hành chủ yếu là trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Tính đến ngày 31/12/2014, dư nợ công bằng 59,4% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 47,1% GDP, dư nợ ngoài nước bằng 40,3% GDP.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã áp dụng các biện pháp quyết liệt để đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn và phương án sử dụng tiền thu từ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; đặc biệt là Đề án tái cơ cấu theo tinh thần Quyết định số 929 của Chính phủ và đến hết quý I/2015 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu 20 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; thực hiện sắp xếp được 6.980 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 4.237 doanh nghiệp; thoái được 2.807 tỷ đồng, thu được 3.206 tỷ đồng; tiến độ và kết quả thoái vốn đang có chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp kiểm soát xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng đi đôi với hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nền kinh tế. Sau 3 năm thực hiện (2012-2014), tổng các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt 311,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 67% tổng số nợ xấu. Chất lượng tín dụng đang có chiều hướng được cải thiện và được phản ánh chính xác, minh bạch hơn với những nỗ lực của từng tổ chức tín dụng (theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước, đến tháng 9/2015, toàn ngành Ngân hàng đã xử lý được 98,09% số nợ xấu đã báo cáo tại thời điểm tháng 9/2012; tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9/2015 còn 2,93%).

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ qua (2011-2015) vẫn còn một số chỉ tiêu mà Quốc hội giao, Chính phủ đã thực hiện nhưng còn chưa đạt được đầy đủ yêu cầu, như: việc ban hành Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ; việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý vật tư nông nghiệp; việc xử lý các cơ sở sản xuất, làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kéo dài; việc giải quyết dứt điểm 528 vụ việc khiếu nại về đất đai phức tạp, tồn đọng, kéo dài; tiến độ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; mục tiêu giảm số người chết do tai nạn giao thông; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; chế độ trợ cấp đối với đội ngũ giáo viên đã nghỉ hưu không được hưởng chế độ thâm niên; chế độ phụ cấp đối với một số đối tượng giáo viên mầm non.

Trong đó, một số vấn đề đã được chất vấn hoặc giám sát chuyên đề nhưng trong thực tế chuyển biến còn chưa thật rõ nét, vẫn được nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh tại diễn đàn Quốc hội và cử tri quan tâm, cần sự chỉ đạo, điều hành chung, quyết liệt hơn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng, chống tham nhũng; tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước... hiệu quả chưa cao; công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện vấn đề để xử lý còn chưa kịp thời; một số cơ quan, đơn vị bộ máy thực thi công vụ còn hạn chế.

Ngoài ra, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm làm ảnh hưởng đến kế hoạch chung. Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa thực hiện quyết liệt; Tình trạng trốn lậu thuế, gian lận thương mại, chuyển giá còn diễn biến phức tạp, gây thất thu ngân sách nhà nước; tỷ trọng nợ thuế do ngành thuế quản lý trên tổng thu ngân sách nhà nước vẫn ở mức cao, số tiền nợ tuyệt đối vẫn tăng qua các năm; công tác xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp thuế còn chậm; số nợ đọng khó thu hồi vẫn tăng qua các năm. Nợ công đang có xu hướng tăng cả về quy mô và tốc độ. Tốc độ tăng nợ công nhanh hơn tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trong khi tốc độ tăng GDP thấp ảnh hướng tới tính bền vững; cơ cấu nợ công chưa hợp lý; việc quản lý, sử dụng vốn vay cũng chưa thật sự đạt hiệu quả cao,…