Tiêu điểm: Nhân Humanity

Chính phủ đề nghị tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025

(VOH) - Với số thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp.

Theo tờ trình, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách. Chính sách này cũng đã được áp dụng từ 20 năm nay.

Sáng 25/5, Quốc hội khóa XIV bước vào tuần làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 9. Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Chính phủ cho rằng, chính sách thuế SDĐNN được thực hiện theo quy định của Luật thuế SDĐNN năm 1993, Pháp lệnh số 31-L/CTN năm 1994 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thuế bổ sung đối với hộ gia đình SDĐNN vượt quá hạn mức diện tích đất.

Thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, đồng thời hỗ trợ đối với nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN được thực hiện từ năm 2001 đến nay. Theo quy định hiện hành thì chính sách thuế SDĐNN đang được miễn đến hết ngày 31-12-2020.

Tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN cho thấy, tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.438 tỷ đồng/năm.

Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Ủy ban TCNS nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025 nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong việc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tình hình bất lợi về thiên tai, biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn kết quả thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 55/BC-UBTVQH14 ngày 11/11/2016 về việc giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó, đề nghị Chính phủ tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sau khi kết thúc thời hạn miễn, giảm thuế để nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét quyết định chính sách thuế này cho phù hợp, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trong giai đoạn tiếp theo. Đến nay, Chính phủ chưa đánh giá một cách tổng thể, đề xuất chính sách về thuế sử dụng đất nông nghiệp để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất pháp luật là chưa thực sự phù hợp.

thuế sử dụng đất nông nghiệp, Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sáng 25/5. Ảnh: SGGPO

Có ý kiến cho rằng, việc thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trên thực tế còn một số tác động thiếu tích cực khi không tạo động lực thúc đẩy đối với nhiều đối tượng là tổ chức, cá nhân trong việc canh tác, sản xuất trên diện tích đất được giao, gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí nguồn lực đất đai. Có tình trạng đất nông nghiệp được giao không được canh tác hoặc canh tác không hiệu quả và có tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận đền bù khi các địa phương triển khai các các dự án đầu tư (đối với đền bù theo thỏa thuận). Tại Báo cáo tổng kết của Chính phủ cũng không có số liệu về diện tích đất nông nghiệp không sử dụng, hoặc sử dụng sai mục đích bị thu hồi. Do đó, đề nghị cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Nghị quyết để chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thực sự có tác động đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình khẳng định: Nghị quyết đã góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông nghiệp-nông thôn theo hướng hiện đại, tạo sự cạnh tranh về nông nghiệp trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, mặc dù nền nông nghiệp đã có nhiều bước phát triển vượt bậc nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nên vẫn cần phải kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Nhằm cụ thể hóa chủ trương về Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, nêu quan điểm: Các hộ cá nhân, hộ cá nhân cần tiếp tục được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; khuyến khích các tập đoàn kinh tế vào nông thôn. Việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng làm giảm hụt nguồn thu ngân sách của Nhà nước (ước tính mỗi năm khoảng 7.500 tỷ đồng) nên cần có sự tổng kết về chính sách này để có phương hướng thực hiện trong thời gian tới. Bởi lẽ, trong thời gian qua, có tình trạng tình trạng người dân để đất bị bỏ hoang hóa không sản xuất, đất bị bỏ hoang chưa được thu hồi. Ngoài ra, có tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ giá đền bù, bỏ hoang không sản xuất...

Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Hồng Vân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, cho rằng Quốc hội cần ban hành một Nghị quyết mới về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, có quy định đối tượng được thụ hưởng rõ ràng để dễ dàng quản lý và bảo đảm ổn định đối nông dân, góp phẩn thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển. Thời hạn thực hiện Nghị quyết mới về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp có thể đến 31/12/2030.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đã góp phần thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trong phiên thảo luận buổi sáng, có 6 đại biểu đã phát biểu đóng góp ý kiến cho Nghị quyết. Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận cho Nghị quyết trong buổi chiều cùng ngày.

Nội dung tuần làm việc thứ 2 của Quốc hội: Tập trung công tác xây dựng pháp luật: Từ ngày mai 25/5, Quốc hội bước và tuần làm việc trực tuyến thứ 2 của Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIV.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quảng Ninh đã khởi động du lịch rất mạnh mẽ: Ngày 24/5, tại Quảng Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và khen ngợi sự khởi động mạnh mẽ về du lịch theo hướng tập trung cho du lịch ...

Bình luận