Chính quyền đô thị - sức bật mới cho TPHCM phát triển nhanh và bền vững (Kỳ 1)

(VOH) - Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM là sự động viên rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và người dân Thành phố.

Chính quyền đô thị hướng tới tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt của bộ máy hành chính nhà nước, tiết kiệm ngân sách, tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh mục tiêu mà Thành phố đang hướng đến thì việc tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM sẽ mang lại điều gì mới mẻ mà người người dân và chính quyền các cấp đang kỳ vọng và mong đợi trong năm 2021? Những vấn đề đặt ra khi thực hiện chính quyền đô thị tại TPHCM là gì?

Đó sẽ là những vấn đề được đề cập trong loạt bài “Chính quyền đô thị - sức bật mới cho TPHCM phát triển nhanh và bền vững” do nhóm phóng viên Thời sự VOH thực hiện. 

Bài 1: Người dân kỳ vọng gì về Chính quyền đô thị?

Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM được Quốc hội thông qua trong bối cảnh người dân cùng Đảng bộ, chính quyền Thành phố đặt nhiều kỳ vọng. Bởi đây được xem như một bước ngoặt quan trọng, tạo sự đột phá và sức bật cho TPHCM phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và bền vững hơn.

Tuy vậy, từ Nghị quyết đi vào thực tế chắc chắn sẽ đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết. Câu hỏi đặt ra ngay lúc này đối với người dân Thành phố là mô hình Chính quyền đô thị sẽ đáp ứng kỳ vọng ra sao hay đem đến những lợi ích thiết thực nào! 

Cử tri Nguyễn Hữu Sáu - Bí thư Chi bộ - Trưởng Khu phố 1 - phường 12 - quận 3 – cho rằng, việc làm này rất tốt, rất phù hợp trong xu thế của Thành phố. Mọi sự việc sẽ trao quyền về cho một người cán bộ lãnh đạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm với dân.

Đồng thời, những nguyện vọng và đề xuất của người dân khi cần thì sẽ được giải quyết ngay. Theo ông, việc giảm biên chế để tăng thu nhập của cán bộ công nhân viên, phát huy năng lực cán bộ đó là điều cần thiết ở thành phố đông dân như TPHCM.

Tuy nhiên, để làm được điều này, chính quyền cần có sự quan tâm và chuẩn bị lực lượng cán bộ trẻ có năng lực, trình độ cao, có chuyên môn giỏi thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Bên cạnh đó, khi không còn Hội đồng nhân dân cấp phường, quận, thì chính quyền cần tạo điều kiện cho các đoàn thể chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc TPHCM phát huy vai trò tiếp thu kiến nghị nhân dân; tổ chức thường xuyên các buổi đối thoại phản biện với nhân dân: "Muốn làm được thì hệ thống chính trị phải hoạt động mạnh, đây là trao trách nhiệm mạnh cho Tổ chức mặt trận để giám sát phản biện tâm tư nguyện vọng ý kiến người dân và giám sát cán bộ kịp thời. Chúng ta phải công tâm lựa chọn cán bộ và đặt ra vấn đề đào tạo chính quy bài bản. Từ đó, khi chúng ta thực hiện chính quyền đô thị thì mới vững chắc và hoàn hảo được".

Chính quyền đô thị được kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và xây dựng hình ảnh TPHCM hiện đại hơn. Ảnh minh họa: PN

Dù có chút băn khoăn khi Thành phố không còn Hội đồng nhân dân cấp quận, phường nhưng bà Bùi Thị Tuyết Hương - Phó Bí thư Chi bộ Khu phố 6 - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ - Chi hội 3 khu phố 6 - phường 12 – quận 10 cho rằng khi thực hiện chính quyền đô thị thì cần phát huy hơn nữa vai trò của Tổ trưởng Tổ dân phố, Ban Thanh tra nhân dân; Chi hội các giới, các tổ chức chính trị như Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị xã hội cũng có nhiệm vụ là lắng nghe những phản ánh của người dân.

Theo đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ để làm sao việc tập hợp kiến nghị bức xúc của người dân không bị bỏ sót, báo cáo và thông báo kịp thời cho dân: "TPHCM thực hiện chính quyền đô thị thì như vậy tôi thấy trách nhiệm nặng nề phải dồn vào Hội đồng nhân dân Thành phố. Hội đồng nhân dân Thành phố sẽ giám sát việc thực thi pháp luật đến tận quận và phường. Vấn đề đặt ra là con người. Các vị đại biểu này phải nâng cao tinh thần trách nhiệm với dân, tăng cường đi cơ sở nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn. Những vị dân cử này phải có lương tâm, trách nhiệm với công việc của dân bên cạnh năng lực phải có".

Đồng tình với vấn đề này, ông Lý Ngọc Thạch – Trưởng ban Dân chủ pháp luật – Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM – cho rằng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội các cấp của Thành phố sẽ tham gia thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt phương châm “Dân biết dân bàn dân làm dân kiểm tra”; Tăng cường công tác phản biện xã hội ở những nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận và phường. Tích cực tổ chức triển khai có hiệu quả công tác giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội.

Người đứng đầu có trách nhiệm giải trình tiếp thu chỉ đạo giải quyết kịp thời các ý kiến kiến nghị của nhân dân tại Hội nghị đối thoại: "Trong thời gian tới để thực hiện chính quyền đô thị thì TPHCM thực hiện tốt, phát huy vai trò của Ủy ban nhân dân cấp quận và phường. Đồng thời phát huy vai trò giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố cùng với vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội Thành phố. Từ đó thực hiện tốt hơn quyền làm chủ và giám sát của nhân dân tại những nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân".

Việc TPHCM thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, phường trên diện rộng với 24 quận, huyện và 259 phường từ 2009-2016 đã mang lại những bài học kinh nghiệm hết sức quan trọng.

Theo bà Thi Thị Tuyết Nhung – Nguyên Trưởng ban Văn hóa xã hội – Hội đồng nhân dân Thành phố, với vai trò Đại biểu chuyên trách phải sát dân hơn, lắng nghe người dân nhiều hơn thông qua hoạt động khảo sát giám sát, thông qua hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội của Thành phố; Cần tăng cường lắng nghe ý kiến người dân thông qua các buổi tiếp xúc cử tri, giải quyết những tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân thì sẽ đem lại hiệu quả rất lớn.

Bên cạnh đó, cơ quan Hội đồng nhân dân Thành phố nhất là các Ban phải bám sát với việc thực hiện kinh tế xã hội của Thành phố trong từng năm và trong định hướng hoạt động 5 năm, gắn với chương trình hành động của Đại hội Đảng bộ Thành phố: "Với kinh nghiệm đã làm được thì trong một nhiệm kỳ, cố gắng là Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố và Đại biểu Quốc hội phải tiếp cận được gần với địa bàn của mình thì mới hiệu quả. Qua đó, chúng ta kiến nghị các cấp chính quyền như phường và quận để giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân. Thông qua hoạt động này, tôi cho rằng dân chủ cơ sở cũng phát huy rất rõ ràng, gắn với giám sát của nhân dân, thông qua các đoàn thể sẽ phát huy vai trò làm chủ của người dân địa phương rất rõ nét".

Có thể khẳng định người dân không mong gì hơn là khi triển khai mô hình chính quyền đô thị, lãnh đạo TPHCM phải thật quyết tâm, cán bộ phải làm thực chất, hiệu quả, phục vụ nhân dân một cách tốt nhất.

Từ đó tạo ra động lực thúc đẩy phát triển, đột phá cho kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và xây dựng hình ảnh TPHCM hiện đại hơn, văn minh hơn. Đó chính là kỳ vọng lớn nhất từ người dân, doanh nghiệp khi TPHCM thực hiện chính quyền đô thị.                                

Bình luận