Chờ...

Chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 4/2020: Tung tin đồn thất thiệt bị phạt tới 20 triệu đồng

(VOH) - Cách ly toàn xã hội trong 15 ngày, Tung tin thất thiệt có thể bị phạt tới 20 triệu đồng... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 4.

Cách ly toàn xã hội trong nửa tháng để phòng chống Covid-19

Có hiệu lực từ 1/4, chỉ thị 16 của Thủ tướng về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 nêu yêu cầu cách ly toàn xã hội; thực hiện theo nguyên tắc "gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh". 

Chính sách nổi bật

 Nhiều tuyến phố ở thủ đô Hà Nội nhiều ngày qua đã vắng người đi lại. Ảnh: Vnexpress

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (những nơi không bị đóng cửa, dừng hoạt động) và các trường hợp khẩn cấp khác.

Mọi người dân phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Tung tin thất thiệt bị phạt đến 20 triệu đồng

Cũng từ ngày 15/4, cá nhân có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng đối với các hành vi khác trên mạng xã hội.

Chính sách nổi bật

Ảnh: VTV

Dừng phát hành vé số trong 15 ngày

Từ hôm nay đến ngày 15/4 sẽ dừng phát hành xổ số kiến thiết trong toàn quốc để phòng, chống COVID-19. Loại hình này được xem là dịch vụ không cần thiết. Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn ngừng các hoạt động xổ số kiến thiết, các dịch vụ trò chơi có thưởng, casino.

Phạt 10 triệu đồng nếu gửi tin nhắn quảng cáo rác

Cũng có hiệu lực từ 15/4, nghị định 15/2020 quy định xử phạt liên quan đến vi phạm về thư điện tử, tin nhắn cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ.

Theo đó, các hành vi gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận nhưng chưa được sự đồng ý của người nhận; gắn nhãn thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo không đúng hoặc không đầy đủ theo quy định... bị phạt từ 5-10 triệu đồng đối.

Nghị định cũng nêu mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không gắn nhãn thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo theo quy định; không lưu lại thông tin đăng ký nhận quảng cáo, thông tin yêu cầu từ chối và thông tin xác nhận yêu cầu từ chối thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo.

Trả lương chậm có thể bị phạt đến 100 triệu đồng

Từ ngày 15/4, Nghị định 28 của Chính phủ quy định: cá nhân người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn cho người lao động sẽ bị phạt tiền, thấp nhất là 5 triệu đồng, nhiều nhất là 50 triệu đồng, tùy vào số lượng lao động. Trong trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì phạt gấp 2 lần các mức trên.
Chủ nhà không đóng bảo hiểm cho người giúp việc bị phạt đến 15 triệu đồng

Nghị định 28/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội... lần đầu tiên quy định bắt buộc chủ nhà phải đóng bảo hiểm xã hội, y tế cho người giúp việc. 

Ngoài ra, gia chủ cũng phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc. Trong trường hợp không thực hiện những quy định trên, chủ nhà có thể bị phạt đến 15 triệu đồng.

Nghị định này cũng tăng mức xử phạt hành chính từ 5-7 triệu đồng lên 10-15 triệu đồng với hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người giúp việc; không trả tiền tàu xe, đi đường khi người giúp việc thôi việc về nơi cư trú.

Không được nhận xét vào sơ yếu lý lịch từ 20/4

Không được nhận xét vào sơ yếu lý lịch là quy định tại thông tư số 1 của Bộ Tư pháp, có hiệu lực từ ngày 20/4. Người chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân không được ghi bất cứ nhận xét nào vào tờ khai lý lịch cá nhân, mà chỉ được ghi lời chứng thực theo mẫu. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về việc ghi nhận xét trên tờ khai lý lịch cá nhân thì tuân theo pháp luật chuyên ngành.

Nghị định 10 kinh doanh vận tải ô tô

Từ hôm nay (1/4), Nghị định 10 thay thế Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô sẽ có hiệu lực. Nghị định đã phân định rõ giữa khái niệm đơn vị "kinh doanh vận tải" và đơn vị chỉ "cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải". Từ 1/7, xe ô tô kinh doanh vận tải khách từ 9 chỗ trở lên, container, xe đầu kéo phải lắp camera để ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.

Taxi công nghệ được lựa chọn gắn mào hoặc phù hiệu

Nghị định 10/2020 quy định điều kiện kinh doanh vận tải có hiệu lực từ ngày 1/4 đưa ra nhiều điểm mới trong quản lý xe taxi. Theo đó, ngoài taxi truyền thống còn có taxi công nghệ, sử dụng phần mềm đặt xe, tính cước chuyến đi và kết nối với hành khách thông qua phương tiện điện tử.

Nghị định nêu rõ, chủ taxi có quyền lựa chọn gắn mào với chữ "taxi" trên nóc, hoặc dán phù hiệu "xe taxi" bằng vật liệu phản quang lên kính phía trước và kính phía sau xe. Các xe đã gắn mào không phải dán phù hiệu.

Ngoài ra, chủ xe đang ứng dụng hình thức gọi xe như Grab Car, Goviet... có thể lựa chọn mô hình xe hợp đồng điện tử hoặc taxi công nghệ tùy theo nhu cầu, song phải đáp ứng quy định của mỗi loại hình vận tải.