Chính sách ôm quá nhiều, không tháo gỡ, đầu tư công sao “thông”

(VOH) - Phiên thảo luận chuyên đề giải ngân đầu tư công trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, các ý kiến đề cập những vướng mắc chính sách cần tháo gỡ để khơi thông đầu tư công.

Phát biểu tại phiên thảo luận Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhắc đến câu chuyện nghịch lý: ngân sách đầu tư công có tiền mà không giải được, nhưng muốn chi đầu tư xã hội hoá thì không có tiền.

Theo ông Hoan, có hai vấn đề nghịch lý. 

Thứ nhất, ở những dự án đầu tư đang triển khai gặp vướng mắc rất nhiều và ai cũng biết hết, vạch ra nhiều giải pháp để thực hiện, nhưng cũng khó.

Thứ hai, kế hoạch đầu tư công đã được Quốc hội, Chính phủ có quyết định TP.HCM khoảng 146.000 tỷ đồng chỉ vừa đủ để giải quyết những công trình đã có của nhiệm kỳ trước. 

Chính sách ôm quá nhiều, không tháo gỡ, đầu tư công sao “thông” 1
Quang cảnh Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5

Bài toán thu của thành phố trong 5 năm tới, có thể thu 119.000 tỷ đồng nhưng trong kế hoạch đầu tư công lại không xác định. 

Như vậy thành phố có khả năng, có tiền nhưng muốn sử dụng nó trong tương lai thì chắc chắn phải xin ý kiến Chính phủ, Quốc hội. Đây là điểm khó, có tiền mà không tiêu được.

TP.HCM có rất nhiều dự án đầu tư quy mô lớn (nhà hát, bệnh viện, quảng trường, các tuyến metro...), tính ra cả vài trăm ngàn tỉ đồng, nhưng quy định, room nợ công của thành phố chỉ có 90% nguồn thu, tức khoảng 70.000 tỷ đồng.

Với room như thế thành phố không thể có tầm nhìn. Ông Hoan dẫn chứng với dự án metro số tiền 70.000 tỷ đồng là bình thường, nhưng sáu tuyến metro sẽ là bao nhiêu, chưa kể các tuyến đường trên cao cũng như một loạt dự án khác.

Với room như vậy tầm nhìn sẽ hạn chế. Nếu không nhìn xa mà cứ nhìn gần thì thành phố ngày càng đi xuống, hạ tầng ngày càng xuống cấp và không thể đầu tư, ông Hoan đề nghị cần có cơ chế về room cho TP.HCM.

Theo ông Hoan, do chính sách hiện nay ôm quá nhiều, kể cả dự án đầu tư về xã hội.

Luật PPP không cho áp dụng với văn hóa, thể thao, trong khi cơ sở văn hóa, thể thao ở thành phố là vài ngàn tỉ, muốn nâng cấp hiện đại cũng khó.

Luật PPP cứ ép ngân sách phải làm nhưng ngân sách làm sao làm kịp bởi vốn lớn, quy trình phức tạp. Cần có cơ chế huy động nguồn lực tư nhân, cho thuê đất xây hạ tầng văn hoá, thể thao hiện đại, ông Hoan đề nghị.

Nếu không xác định sớm, có giải pháp thì giải ngân đầu tư công của TPHCM tiếp tục vướng, khó khơi thông để hoàn thành các nhiệm vụ theo nghị quyết đề ra.

Bình luận