Cho phép thực hiện, không cần tiếp tục thí điểm chính quyền đô thị tại TPHCM

(VOH) - Các đại biểu cho rằng, việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM là vấn đề cần thiết và cấp bách, không cần tổ chức thí điểm nữa mà nên thực hiện ngay.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, các đại biểu cho rằng việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM là vấn đề cần thiết và cấp bách, là yếu tố có thể thúc đẩy, tạo bước chuyển lớn cho sự tăng trưởng kinh tế, vì vậy không cần tổ chức thí điểm mà nên thực hiện ngay.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp, việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị TPHCM là vấn đề quan trọng, cấp bách nên triển khai thực hiện ngay, không cần thí điểm. Việc này cũng phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương.

chính quyền đô thị
Các đại biểu cho rằng, việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM là vấn đề cần thiết và cấp bách, không cần tổ chức thí điểm nữa mà nên thực hiện ngay. (Ảnh: Bộ Xây dựng)

“Trước đây TPHCM cũng đã thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở nhiều quận, huyện trong thành phố và cũng đã tổng kết rút ra những bài học kinh nghiệm, báo cáo thực hiện tổng kết. Nếu bây giờ thực hiện thí điểm, tổng kết nữa thì dân người ta sẽ thắc mắc. Đó là về mặt thực tiễn. Còn về lý luận thì TPHCM được căn cứ vào Luật tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, áp dụng là do Quốc hội cho phép những vấn đề khác thì Quốc hội ban hành nghị quyết riêng cho thực hiện, như vậy thì không nhất thiết phải là thời điểm thực hiện thí điểm giống như như Hà Nội và Đà Nẵng…” - đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Đồng tình với vấn đề này, đại biểu Huỳnh Thành Chung, đoàn Bình Phước cho rằng: “Tôi nghĩ rằng việc thí điểm là không cần thiết bởi vì TPHCM là một trong 10 tỉnh thành đã thực hiện thí điểm trong 6 năm rồi. Việc thí điểm này đã được tổng kết đánh giá kết quả rất tốt. Ta nên mạnh dạn thực hiện. Nếu tiếp tục thí điểm thì sẽ dẫn đến sự không ổn định và đặc biệt là phải chuẩn bị bầu cử Quốc hội cũng như bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, liên quan tới việc thay đổi về thể chế, thay đổi về bộ máy. Nếu cứ nói thí điểm thì việc chuẩn bị cho công tác bầu cử cũng giống như tính ổn định của bộ máy sẽ khó hơn”.

Một số đại biểu cũng cho rằng khi thực hiện không có hội đồng nhân dân cấp phường và cấp quận thì phải nâng cao vai trò giám sát và giải quyết các vấn đề của Hội đồng nhân dân cấp Thành phố, thông qua việc tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp này.

Bình luận