Chọn giới tính thai nhi có thể bị phạt đến 100 triệu đồng

VOH - Đây được kỳ vọng là bước tiến mới trong nỗ lực đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên, bảo đảm sự phát triển bền vững về nhân khẩu học và ổn định xã hội trong tương lai.

Nhằm đối phó tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng nghiêm trọng, Bộ Y tế đề xuất nâng mức phạt hành chính đối với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi lên đến 100 triệu đồng trong dự thảo Luật Dân số đang được lấy ý kiến nhân dân.

Theo Bộ Y tế, tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi vẫn diễn ra phổ biến, là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ số giới tính khi sinh lệch nghiêm trọng. Năm 2024, cứ 100 bé gái chào đời thì có tới 111,4 bé trai. Nếu không có biện pháp can thiệp mạnh, đến năm 2039, Việt Nam có thể dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn, và con số này có thể tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059.

GIOI TINH THAI NHI 2025
Ảnh minh họa 

Sự chênh lệch này không chỉ ảnh hưởng đến cấu trúc gia đình, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy xã hội như: kết hôn muộn, không thể kết hôn, gia tăng buôn bán phụ nữ, mại dâm, bạo lực giới và tội phạm xuyên quốc gia.

Dự thảo Luật Dân số gồm 6 chương, 35 điều, ngoài việc kế thừa quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi của Pháp lệnh Dân số, còn đề xuất nhiều giải pháp như: công khai danh sách các địa phương có tỷ lệ giới tính mất cân bằng cao, tăng cường truyền thông, giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ và trẻ em gái, xóa bỏ định kiến “trọng nam khinh nữ”.

Một điểm mới đáng chú ý là đề xuất nâng mức phạt từ 30 triệu lên tối đa 100 triệu đồng đối với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Tuy nhiên, mức xử phạt này đang gây ra những tranh luận trái chiều.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ – Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội – đánh giá việc xử phạt kinh tế là cần thiết để tăng tính răn đe. Tuy nhiên, ông cho rằng cần cân nhắc kỹ mức phạt sao cho phù hợp với điều kiện thu nhập hiện tại của người dân. “Nếu phạt quá cao mà không khả thi thì sẽ phản tác dụng. Người vi phạm sẽ lách luật bằng những cách tinh vi hơn,” ông Cừ nhấn mạnh.

Ông cũng đề xuất rằng ngoài việc xử phạt cá nhân, luật cần mở rộng trách nhiệm đến những người thực hiện kỹ thuật lựa chọn giới tính trái phép và hệ thống chính trị cơ sở, từ tổ dân phố đến thôn bản. “Giáo dục, nâng cao nhận thức vẫn là gốc rễ của vấn đề,” ông nói.

Dự thảo Luật Dân số sẽ tiếp tục được lấy ý kiến đến hết ngày 12/6/2025, trước khi được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 10.

 
Bình luận