Chống tham nhũng hiệu quả: Kết nối với quần chúng chặt chẽ hơn nữa

(VOH) - Phòng, chống tham nhũng đã và đang là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm và đòi hỏi chúng ta cần có những hành động thực tế để bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của đất nước.

Thời gian qua, người dân cảm nhận được rất rõ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, khi các hành vi sai trái của những người ở đỉnh cao quyền lực, những vụ án tham nhũng gây thiệt hại cho ngân sách hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng đã bị phanh phui, bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc, công minh.

Có chống, có xử nhưng tham nhũng vẫn xảy ra

Theo thống kê từ năm 2014 đến nay, cơ quan điều tra trên cả nước đã khởi tố mới 971 vụ án với 2.010 bị can về các tội tham nhũng.

Viện kiểm sát nhân dân các cấp cũng đã truy tố 1.060 vụ án với 2.444 bị can. Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 968 vụ án với 2.297 bị cáo về các tội tham nhũng.

Nổi lên trong số đó là các vụ án Dương Chí Dũng, Đinh La Thăng, Hà Văn Thắm, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Phan Văn Anh Vũ; Vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc nghiêm trọng xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương; Vụ án Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm... Riêng trong năm 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 đã xử lý 52 vụ án, 33 vụ việc, đã xét xử sơ thẩm 21 vụ với 263 bị cáo (tuyên phạt 3 bị cáo án tử hình, 9 bị cáo tù chung thân, 4 bị cáo tù 30 năm, 240 bị cáo tù từ 12 tháng đến dưới 30 năm).

Nhiều án tham nhũng, đại tham nhũng được đưa ra xét xử. Ảnh minh họa

Tại TPHCM, ngoài các cơ chế theo quy định của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, còn có thêm hai cơ chế phòng chống tham nhũng: Thứ nhất là quy định 1374 của Thành ủy về giải quyết thông tin, xử lý những người đứng đầu có biểu hiện nhũng nhiễu, vi phạm đạo đức; Thứ hai là Mặt trận Tổ quốc đứng ra khảo sát sự hài lòng của người dân thông qua cải cách hành chính. Từ đó, vừa giám sát vừa rút kinh nghiệm cũng như hướng dẫn cho cơ sở cách thực hiện. Mặt khác là phải theo đuổi vụ việc tới cùng dù khó khăn đến đâu.

Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đánh giá: “Tham nhũng thì lĩnh vực nào cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nhạy cảm như quản lý đô thị, đất đai, trong xây nhà lại gắn liền với tài sản và lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Trong khi đó thủ tục còn quá nhiêu khê dễ dẫn đến những hạn chế, tiêu cực mà người dân cứ phản ánh hoài nhưng chưa có biện pháp triệt để”.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM cho rằng: Hiến pháp đã quy định rõ nhưng làm sao kiểm soát được quyền lực và xây dựng những cơ chế để xử lý tận gốc tham nhũng về chính sách. Đặc biệt, rõ nét nhất là trong lĩnh vực đất đai.

"Nếu chúng ta không có những cơ chế thì tham nhũng sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội dẫn đến sự méo mó cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến độc quyền làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân" Luật sư Hậu nói.

Vì vậy, theo luật sư Hậu, cần phải có cơ chế để người dân tham gia phòng chống tham nhũng. Đồng thời phải kiểm soát được tài sản và thu nhập của những người có chức vụ và quyền hạn. Bên cạnh đó phải cải cách về hành chính, có cơ chế, chính sách xử lý tài sản mà những người có chức vụ và quyền hạn kê khai không trung thực hoặc những thu nhập tăng thêm mà không giải trình được thì phải bị tịch thu. Đồng thời phải có cơ chế để báo chí phát huy vai trò trong phòng, chống tham nhũng và để làm được điều này phải sửa Luật Phòng, chống tham nhũng.

“Tôi cho rằng chúng ta phải sửa từ cơ chế, chính sách. Sửa những cơ chế để chúng ta xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tham nhũng. Vấn đề là hiến pháp cũng đã quy định rõ và đã trao quyền cho Mặt trận và các tổ chức đoàn thể dưới sự lãnh đạo của Đảng, thì phải xây dựng những cơ chế quyết liệt hơn nữa, những chính sách để không có một chỗ hở để cho những người có chức vụ và quyền hạn lợi dụng chức vụ và quyền hạn đó để lạm quyền, làm thất thoát tài sản của nhà nước” – Luật sư Hậu ý kiến.

Chống tham nhũng, tham nhũng

Vụ đại án tham nhũng Dương Trí Dũng đưa ra xét xử được người dân đồng tình, đánh giá cao (Ảnh minh họa: hoinhabaovietnam)

Chống tham nhũng cần có sự kết nối, không chống đơn lẻ

Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện -  Phó hiệu Trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học quốc gia TPHCM), cần có cơ chế sàng lọc để hạn chế thấp nhất những phần tử suy thoái, biến chất nắm giữ các cương vị, sử dụng quyền lực để thu lợi cho bản thân. Và để phòng chống tham nhũng một cách có hiệu quả thì Mặt trận Tổ quốc nên có sự kết nối với quần chúng chặt chẽ hơn nữa để thể hiện đây là tổ chức đại diện cho các lực lượng quần chúng trong xã hội.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện nêu ý kiến, không nên khuyến khích cá nhân đứng ra chống tham nhũng bởi chống tham nhũng một cách riêng lẻ, nguy cơ thất bại rất lớn và điều này đã được kiểm chứng. “Tổ chức các lực lượng xã hội thật sự trong sạch, mạnh, có uy tín để đứng ra tổ chức chống tham nhũng của xã hội, trong đó có sự tham gia của từng cá nhân và tốt nhất các cá nhân chống tham nhũng cũng thông qua vai trò của các tổ chức xã hội”.

Tại hội thảo “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác  phòng chống tham nhũng, lãng phí” khu vực phía Nam vừa qua, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định: Hai năm trở lại đây Mặt trận đã tích cực vào cuộc và có những chuyển biến thông qua việc ban hành quy trình tiếp nhận, xử lý đơn thư của nhân dân.

Từ những kết quả đã đạt được ông Trần Thanh Mẫn đề nghị: “Từ nay đến cuối năm, Mặt trận 63 tỉnh thành chỉ cần phát hiện 1 vụ, 2 vụ tham nhũng thì đây là kết quả hết sức cụ thể. Lĩnh vực này khó, nhưng khó thì Mặt trận Tổ quốc phải vào cuộc, vận động nhân dân tham gia tích cực thì mới thành công. Nếu chúng ta đơn phương: Đảng, Nhà nước kêu gọi mà Nhân dân không ủng hộ thì không thành công. Mặt trận Tổ quốc muốn phòng chống tham nhũng thì Mặt trận Tổ quốc phải mạnh, người đứng đầu phải mạnh”.

Phát biểu tại cuộc họp nghe báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra của 5 đoàn kiểm tra của Ban Bí thư vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm!”.

Tham nhũng luôn cám dỗ khiến cho một số người giấu mình dưới vỏ bọc đạo đức, “quyền cao, chức trọng” để “vinh thân, phì gia” tiềm ẩn nguy cơ làm tổn hại uy tín, thanh danh của Đảng, gây bất ổn xã hội, bức xúc trong nhân dân. Vì vậy, người dân không thể chấp nhận những con người như thế và yêu cầu xử lý nghiêm những cán bộ mắc sai phạm và mạnh dạn loại bỏ những cán bộ tha hóa ra khỏi bộ máy công quyền.

>>> Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 17/9/2018: USD tăng

>>> Giá cả thị trường hôm nay 17/9/2018: Các chương trình khuyến mãi mua bánh trung thu tại siêu thị

Bình luận