Theo báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 8,5 triệu tấn hạt nhựa nguyên sinh và tái chế, cùng với 500.000 tấn nhựa phế liệu mỗi năm. Riêng quý I/2025, cả nước nhập khẩu 2,28 triệu tấn nhựa nguyên liệu, trị giá 3,02 tỷ USD, tăng lần lượt 25,2% về lượng và 20,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
VPA cho biết, hiện ngành nhựa đang phụ thuộc tới 70% nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, Arab Saudi, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia và Singapore. Trung Quốc tiếp tục là nhà cung cấp lớn nhất, chiếm 29,2% thị phần.
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá, dù là một trong những ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao, ngành nhựa Việt Nam vẫn chủ yếu dừng ở mức gia công, chưa hình thành chuỗi giá trị hoàn chỉnh do thiếu chủ động nguồn nguyên liệu. Hiện nay, 70% nguyên liệu và phụ liệu phải nhập khẩu, trong khi sản lượng trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 1 triệu tấn. Điều này khiến doanh nghiệp phải duy trì tồn kho lớn, làm gia tăng chi phí và rủi ro trong sản xuất.
Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ và nguồn nguyên liệu nhựa tái sinh trong nước chưa phát triển, dẫn đến việc doanh nghiệp không thể tối ưu hóa chi phí hay nâng cao chất lượng sản phẩm. Phần lớn doanh nghiệp nhựa ở Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm hơn 90% tổng số 2.000 đơn vị hoạt động, ít đầu tư vào công nghệ hiện đại. Do đó, sản phẩm nhựa Việt Nam chủ yếu nằm ở phân khúc tầm thấp, thiếu sức cạnh tranh, đặc biệt là trong mảng nhựa gia dụng.

Ông Hồ Đức Lam – Chủ tịch VPA – cho rằng ngành nhựa có tiềm năng lớn và cần được hỗ trợ đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu trong nước. Doanh nghiệp cũng cần mở rộng nhà máy, chủ động nguồn nguyên liệu, đẩy mạnh sản phẩm có giá trị gia tăng cao để khẳng định lợi thế cạnh tranh.
Cục Công nghiệp khuyến cáo các doanh nghiệp cần bám sát diễn biến thị trường, thúc đẩy sản xuất nội địa để từng bước thay thế nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên vật liệu toàn cầu đang tăng cao.
Về định hướng lâu dài, Bộ Công Thương nhấn mạnh cần phát triển ngành công nghiệp vật liệu cơ bản, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp về tín dụng, nhân lực, đổi mới sáng tạo, thị trường, thuế và đất đai. Bộ cũng giao các Thương vụ tăng cường tìm kiếm và cập nhật danh sách nhà cung cấp nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất trong các ngành như hóa chất, nhựa, đồ gỗ, sắt thép…
Ngoài ra, việc đa dạng hóa thị trường nhập khẩu cũng được đặt ra nhằm tránh phụ thuộc vào một số thị trường cụ thể, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Qua đó, tăng khả năng ứng phó với biến động chuỗi cung ứng toàn cầu và củng cố vị thế của sản phẩm công nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.