Sau ngày Bác Hồ qua đời, trong niềm kính yêu và tiếc thương vô hạn, Thị ủy Trà Vinh đã bàn kế hoạch cùng quân, dân Long Đức dựng Đền thờ Bác Hồ. Mặc dù đây là khu vực tranh chấp giữa ta và địch, vị trí xây dựng chỉ cách đồn địch vài trăm mét, song với ý chí sắt đá, lòng yêu nước nồng nàn, quân, dân Trà Vinh vẫn quyết định khởi công xây dựng ngôi Đền trên nền diện tích 16 mét vuông vào ngày 10/3/1970.
Toàn bộ quá trình dựng đều được thực hiện vào ban đêm. Công trình được hoàn thành ngày 26/1/1971.
Đền thờ Bác Hồ được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, khu di tích cấp quốc gia đầu tiên của tỉnh Trà Vinh.
Khuôn viên Đền thờ Bác Hồ có diện tích rộng hơn 4,5ha, với hạng mục chính là ngôi Đền và nhà trưng bày. Đặc biệt năm 2012, phiên bản Nhà sàn Bác Hồ với tỷ lệ 97% được dựng lên tại đây.
Chủ tịch nước và đoàn công tác thành kính dâng hương, hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng và nhân dân Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc.
Bày tỏ xúc động trước tình cảm sâu nặng, thiết tha của người dân Trà Vinh đối với Bác Hồ, Chủ tịch nước Tô Lâm viết trong Sổ vàng lưu niệm: "Đền thờ Bác Hồ tại tỉnh Trà Vinh không chỉ thể hiện tình cảm thiêng liêng, tấm lòng sắc son của nhân dân Nam Bộ nói chung, người dân Trà Vinh nói riêng, đối với vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc, mà còn là biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết, đấu tranh anh dũng, kiên cường của quân và dân ta..."
Chủ tịch nước mong muốn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Trà Vinh tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Bác Hồ, để nơi đây sẽ mãi là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng, truyền tải những giá trị cao đẹp Bác để lại cho thế hệ mai sau.
Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dâng hương, viếng mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.