Liên minh Doanh nghiệp Mỹ-APEC là sáng kiến được điều phối bởi hiệp hội ngành công nghiệp có trụ sở tại Mỹ và đã tham gia nhiều năm vào APEC.
Cảm ơn Chủ tịch nước dành thời gian tiếp, đại diện các doanh nghiệp khẳng định mối quan hệ Việt Nam-Mỹ có vai trò rất quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.
Nhắc đến những vấn đề cụ thể, các doanh nghiệp cho biết một số luật mới được ban hành hoặc đang trong quá trình dự thảo đã được các cơ quan, đơn vị của Việt Nam lấy ý kiến các doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Mỹ là điều rất đáng trân trọng.
Những luật dự thảo hoặc mới ban hành mang lợi ích cho nhân dân, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; nhiều vấn đề được Chính phủ quyết tâm thực hiện, đưa ra lộ trình rõ ràng các cơ chế, chính sách cho hoạt động của doanh nghiệp.
Đại diện các doanh nghiệp cũng cam kết tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, đổi mới hoạt động; đồng thời đưa ra các kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với các ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam như dược, bảo hiểm, chuyển đổi số, tài chính ngân hàng…
Các doanh nghiệp cũng mong muốn nhận được sự quan tâm của Chủ tịch nước, Chính phủ, các bộ, ngành để thực hiện sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Lương Cường bày tỏ vui mừng được tiếp Liên minh Doanh nghiệp Mỹ-APEC; nhấn mạnh sự kiện này với sự tham dự của đại diện Phòng Thương mại Mỹ, Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN, cùng lãnh đạo cấp cao của hơn 10 doanh nghiệp hàng đầu Mỹ thể hiện sự quan tâm của nhà đầu tư Mỹ đối với Việt Nam.
Chủ tịch nước đánh giá hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ không ngừng mở rộng và phát triển vượt bậc sau gần 3 thập niên bình thường hoá quan hệ và hơn 1 năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Chủ tịch nước chỉ rõ hai bên đã vượt qua nhiều khác biệt và đạt được những nguyên tắc nền tảng cho quan hệ hai nước, như được khẳng định trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam-Mỹ khi cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Mỹ vào năm 2015, trong đó nhấn mạnh tôn trọng “thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau,” đồng thời lãnh đạo Mỹ khẳng định ủng hộ một nước Việt Nam “hùng mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng.”
Trên cơ sở nhận thức và định hướng chung trong quan hệ giữa hai nước, Chủ tịch nước cho biết Việt Nam xác định Mỹ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược và tin tưởng vào những cơ hội phát triển của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện song phương.
Qua đó sẽ hiện thực hóa nguyện vọng của người dân hai nước về một tương lai tươi sáng và năng động, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên toàn thế giới.
Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam đang không ngừng hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng rõ ràng, minh bạch, ổn định, phù hợp với thông lệ quốc tế để thu hút đầu tư, trong đó các doanh nghiệp Mỹ với 3 trụ cột chính gồm: Cải cách mở cửa sâu rộng; Bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và Phát triển các động lực kinh tế mới.
Trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế toàn cầu, công nghệ và phát triển bền vững sẽ là hai trong những yếu tố cốt lõi định hình tương lai kinh tế thế giới, Chủ tịch nước cho biết Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp Mỹ và khu vực APEC trong các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo; năng lượng tái tạo và phát triển xanh.
Chủ tịch nước nêu rõ Việt Nam hoan nghênh các công ty Mỹ đầu tư trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo; dữ liệu lớn; công nghệ sinh học; thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển; công nghệ tài chính.
Mặt khác, Việt Nam đặt mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và hiện đang có chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, công nghệ lưu trữ năng lượng.