Chủ tịch Phan Văn Mãi: Thành phố luôn đồng hành với cán bộ dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung

VOH - Ngày 29/9/2023 Chính phủ ban hành Nghị định 73 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. TPHCM vận dụng như thế nào?

Đây là điều kiện, cơ hội để TPHCM khơi dậy tinh thần mạnh mẽ có những giải pháp mới, cách làm sáng tạo, đột phá để tiếp tục phát triển. TPHCM với truyền thống năng động, sáng tạo, là nơi khởi nguồn cho nhiều chủ trương đột phá hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, nhiều mô hình đã trở thành cách làm chung của cả nước.

Bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung 1
Nghị quyết 98 được kỳ vọng là cơ hội để TPHCM đột phá hiệu quả trên nhiều lĩnh vực - Ảnh minh họa: Khiêm Huân

Còn nút thắt trong việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm dám đột phá vì lợi ích chung

Theo Nguyễn Thị Hải Hà, chuyên viên Phòng Xây dựng chính quyền và Công tác Thanh niên - Sở Nội vụ TPHCM: mỗi cá nhân phải bước ra khỏi "vùng an toàn" trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, can đảm nói ra ý kiến mình ấp ủ bấy lâu, tự hạ cái tôi cá nhân để tiếp nhận góp ý, nhận xét của đồng nghiệp nhằm hoàn thiện hơn cho suy nghĩ, sáng kiến của mình, đem lại nhiều kết quả tích cực trong công tác, nhằm phục vụ cho người dân thì đã là "dám nghĩ, dám làm".

Hải Hà nhận định thêm, từ thực tiễn tại TPHCM, để có được những kết quả phát triển kinh tế xã hội như hiện nay cũng là kết quả của "dám nghĩ, dám làm" của cả một hệ thống chính trị và đồng thuận của người dân, cán bộ, công chức, viên chức. Đó cũng chính là kết quả từ sự cống hiến, từ trách nhiệm của mỗi cá nhân góp vào cho hệ thống chính trị thành phố.

Thời gian gần đây, tình trạng sợ trách nhiệm, không dám hành động vì lợi ích chung trong một bộ phận cán bộ, công chức là rất đáng lo ngại.

Nêu ý kiến tại một Hội thảo khoa học, ông Vũ Anh Tuấn, Vụ trưởng - Trưởng Cơ quan thường trực Ban Dân vận Trung ương tại TPHCM thẳng thắn chỉ rõ: "TP đứng trước nhiều khó khăn như tình trạng cán bộ công chức viên chức xin nghỉ việc, mà nguyên nhân chính tác động là do chế độ tiền lương, khối lượng công việc gây áp lực tâm lý. Cũng có sự e ngại, thiếu tính chủ động sáng tạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ, trước khi quyết định vấn đề gì thì đều hỏi ý kiến, xin chủ trương, thống nhất của cơ quan cấp trên hoặc cơ quan liên quan". 

Nguyễn Thị Hải Hà nêu trăn trở: "Trong thực hiện chúng ta thấy rằng giữa đột phá và làm sai qui định cũng là ranh giới mỏng, rất mơ hồ. Có những nội dung chúng ta dám nghĩ dám làm thời điểm trước nhưng sau khi thực hiện có những qui định pháp luật đối chiếui, từ những đột phá lại thành sai qui định và chịu trách nhiệm với nội dung đó". 

Cũng đề cập đến tâm tư, áp lực công việc và liên quan đến cán bộ, công chức xin nghỉ, theo bà Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, có tình trạng cán bộ xin nghỉ việc không chỉ ở cơ sở phường, xã mà còn ở cấp cao hơn, đến Phó Chủ tịch quận cũng xin nghỉ việc.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Thành Trung cũng cho hay: "Rất nhiều cán bộ bị kỷ luật, có nhiều lý do, cũng nảy sinh tình trạng, cán bộ thực thi công vụ - kể cả cán bộ lãnh đạo - có tâm lý và thái độ làm việc “cầm chừng”, với quan điểm “làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều, không làm sẽ không sai”.

Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên

Ông Vũ Anh Tuấn, Vụ trưởng - Trưởng Cơ quan thường trực Ban Dân vận Trung ương tại TPHCM cho rằng, để thực hiện chủ trương bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, người đứng đầu phải phát huy tốt nhất tinh thần trách nhiệm, năng động, là tấm gương cho cán bộ công chức, viên chức noi theo.

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM Nguyễn Đức Thái nêu quan điểm, TP cần có chính sách, quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi về nhận thức, vật chất, tinh thần khuyến khích cán bộ đổi mới, năng động, sáng tạo, biểu dương kịp thời những cán bộ có đột phá trong đổi mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao cho đất nước, nhân dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Cần có chính sách thu hút, tuyển dụng, trọng dụng nhân tài, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ông Thái nói thêm: Cần đề ra những nguyên tắc để sự khuyến khích cán bộ năng động sáng tạo phải sống hành siết chặt kỷ cương, đạo đức công vụ, tăng cường thanh tra kiểm tra giám sát, nhất là thực hiện các thủ tục hành chính, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân. Xử lý nghiêm các hành vi những nhiễu, phiền hà tiêu cực và các vi phạm khác.

Ông Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP cho rằng mỗi cán bộ đảng viên phải tự rèn luyện bản thân để “thanh bảo kiếm luôn rắn rỏi, sắc bén, để lá chắn luôn chắc chắn mà không một viên đạn bọc đường nào xuyên thủng”. 

"Tập trung xác định cụ thể thẩm quyền trách nhiệm với tập thể cấp ủy, cơ quan tham mưu trong xem xét quyết định những vấn đề đổi mới sáng tạo của cán bộ hoặc xử lý các vấn đề xảy ra. Ưu tiên thực hiện công tác cán bộ, đối với cán bộ trẻ năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm dám đột phá vì lợi ích chung" - Ông Tài kiến nghị.

Theo Tiến sĩ Thân Ngọc Anh, Trưởng Khoa Chủ nghĩa Xã hội Khoa học - Học viện Chính trị khu vực II, phải quan tâm công tác tuyên truyền, động viên để cán bộ mạnh dạn sáng tạo, dám nghĩ dám làm trong công tác chuyên môn, vì sự phát triển chung.

Thủ trưởng phải có trách nhiệm chủ động triển khai và khuyến khích cán bộ, công chức đăng ký sáng kiến, giải pháp sáng tạo, cách làm đột phá. Tạo điều kiện, môi trường làm việc tốt nhất để cán bộ, công chức phát huy khả năng, sáng tạo, sáng kiến của mình, TS Anh nói thêm.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Thành Trung đề nghị: "Có thể tiếp tục nghiên cứu để có danh hiệu nào đó tôn vinh cán bộ dám nghĩ, dám làm. Cần cụ thể hóa việc này trong đánh giá cán bộ dựa theo tiêu chí thì mới động viên, khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm, nhất là trước những việc khó, nguy hiểm mà cần đến bản lĩnh, năng lực của người cán bộ lãnh đạo quản lý".

Chủ tịch TP Phan Văn Mãi: Thành phố luôn đồng hành với cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Chủ tịch UBND TPHCM cũng vừa ký ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Thành phố đang quyết liệt triển khai các các giải pháp trong việc thực hiện Kết luận 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị và Nghị định 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ trong việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Điều này giúp cho TPHCM hiện thực hóa các Nghị quyết quan trọng của Trung ương về phát triển TP.

Bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung 2
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi - Ảnh: Ngọc Bích

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi có cuộc trao đổi với VOH.

*VOH: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc thực hiện Kết luận 14 tại TPHCM thời gian qua?

Ông Phan Văn Mãi: TPHCM đón nhận Kết luận 14 như một luồng gió mới để khuyến khích sự năng động, sáng tạo của công chức, viên chức TP. Ngay khi có kết luận, Thành ủy đã triển khai và Ủy ban cũng đã xây dựng kế hoạch.

Kế hoạch này chủ yếu tập trung xác định những phạm vi mà công chức, viên chức TP có thể nghiên cứu để thể hiện sự năng động, sáng tạo của mình trên cơ sở vận dụng các quy định của pháp luật, để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra ,mà ở đó quy định chưa có hoặc chưa đầy đủ hoặc còn chồng chéo.

Chúng tôi có đề xuất một quy trình, khi một công chức hoặc là một tập thể phát hiện ra có vấn đề đang vướng mắc mà thấy cần thiết phải giải quyết thì đăng ký với lãnh đạo để giải quyết vấn đề đấy và nghiên cứu các quy định hiện hữu để vận dụng, đề ra một quy trình giải quyết. Quy trình đó được lãnh đạo xác nhận thông qua, và tiến hành theo quy trình đó, giám sát chặt chẽ cho đến khi có kết quả.

Cũng quy định luôn là nếu như kết quả tốt thì được rồi, nhưng nếu kết quả không như ý muốn thì cách xử lý như thế nào để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của người đề xuất, người thực hiện được bảo vệ, được khuyến khích. 

Khi triển khai kế hoạch này, có 70 cơ quan, đơn vị đăng ký với các đề án cụ thể. Qua xem xét, chúng tôi bước đầu tập trung chỉ đạo để triển khai 42 đề án. TP sẽ tiến hành sơ kết những kết quả bước đầu để rút kinh nghiệm và triển khai cho thời gian sắp tới. Nếu thực hiện được các đề án này cũng giải quyết được rất nhiều việc tồn tại, vướng mắc hiện nay tại TPHCM chúng ta.

*VOH: Có ý kiến cho rằng là cán bộ hiện nay cũng ngại tình trạng dám làm, dám đột phá. Theo ông rào cản nào tạo nên những suy nghĩ như vậy?

Ông Phan Văn Mãi: Thứ nhất đó là pháp lý. Pháp lý của chúng ta chưa đầy đủ, còn chồng chéo nên chưa có cơ sở để thực hiện. Cần phải có quy định rõ ràng. Thứ hai là vừa qua, một số vụ việc sau khi được thanh tra, kiểm tra, điều tra, so chiếu lại với các quy định pháp luật lại thấy có những thiếu sót. Nên trong quá trình đề xuất, cán bộ, công chức cũng e dè.

*VOH: Thành phố có những chính sách, cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung ra sao để họ cảm thấy có điểm tựa mà thực hiện, thưa ông?

Ông Phan Văn Mãi: Chúng tôi khẳng định lãnh đạo thành phố luôn bên cạnh và đồng hành với cán bộ, công chức trong quá trình mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất những biện pháp để giải quyết các vấn đề thực tiễn của TP. Đồng chí Bí thư Thành ủy và tôi đã tổ chức một cuộc gặp các Giám đốc Sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện để nói rõ quan điểm này và cách thức để triển khai.

Chúng tôi cũng tổ chức gặp gỡ với lãnh đạo cấp phòng của các Sở để lắng nghe, thống nhất cách thức triển khai và cơ chế tham mưu. Tức là lãnh đạo xem xét quyết định và lãnh đạo chịu trách nhiệm với quyết định đó. Qua đó, mở ra một không gian cho anh em tự tin hơn, mạnh dạn hơn trong vấn đề đề xuất.

Về lâu dài, thành phố đang xây dựng đề án nền công vụ thành phố hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển. Đề án này tập trung vào chuẩn hóa quy định hành chính, quy định công vụ cho gọn gàng, rõ người, rõ việc và dễ đánh giá. Từ quy trình này, tổ chức bộ máy phù hợp, vừa đủ để thực hiện. Các điều kiện làm việc để có năng suất tốt hơn, theo dõi kết quả chính xác hơn và từ đó đánh giá rõ ràng hơn.

Đề án này cũng xác định các chính sách vượt trội từ tuyển dụng, đào tạo, bố trí, khen thưởng, kỷ luật, đặc biệt là các chính sách liên quan tới thu nhập, nhà ở, phát triển bản thân cho cán bộ, công chức. 

*VOH: Nghị định 73 của Chính phủ vừa ban hành sẽ giúp thành phố có định hướng, giải pháp ra sao, thưa ông?

Ông Phan Văn Mãi: Nghị định 73 của Chính phủ là bước cụ thể hóa quan trọng, tạo thêm hành lang pháp lý cần thiết để cho cán bộ, công chức TP tự tin hơn trong thực hiện chức trách của mình, mạnh dạn hơn trong đề xuất các cách làm mới, mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo.

Tuy vậy, trong thời gian tới, khi triển khai tổ chức thực hiện Nghị định này, TP sẽ cụ thể hóa cho phù hợp với tình hình. Trong đó sẽ tập trung vào vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở từng cơ quan. TP sẽ thường xuyên theo dõi, rút kinh nghiệm việc này để kịp thời bổ sung các biện pháp vừa khuyến khích, vừa bảo vệ anh em.

Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu những cơ chế như thế, sẽ nghiên cứu để xử lý những trường hợp cụ thể. Nếu trong quá trình đề xuất, thực hiện các đề án mà không mang lại kết quả như mong muốn thì phải xem xét hoàn cảnh rất cụ thể để có một đánh giá để bảo vệ anh em.

*VOH: Trân trọng cảm ơn ông.

Bình luận