Chủ tịch Quốc hội: Đánh giá kỹ đường cao tốc như thế nào là đạt chuẩn

VOH - Ngày 11/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo 6 vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật: Về phân loại đường bộ theo cấp quản lý (Điều 8); Về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 12); Về phạm vi bảo vệ trên không và phía dưới đường bộ (Điều 17); Về chi phí quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 41); Về đầu tư, xây dựng, phát triển đường cao tốc (Điều 47); Về phí sử dụng đường cao tốc (Điều 50).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết ban soạn thảo đề nghị việc thu phí sử dụng đường cao tốc có hiệu lực từ ngày 1/10/2024.

Quy định này, theo ban soạn thảo, nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý để triển khai công tác thu phí như: Đầu tư xây dựng hạ tầng trạm thu phí; xây dựng mức thu phí, cơ chế quản lý phí sử dụng đường bộ.

1106-ubtvqh-4087
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc - Ảnh: TTXVN 

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng đây là một chính sách mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, trong khi một số dự án đường cao tốc đã đưa vào khai thác và đang xây dựng chưa được bố trí vốn cho các hạng mục thu phí do chưa có quy định thu.

Ông Lê Tấn Tới cho rằng, cần phải tổng hợp, thống kê đối với tính chất và nhu cầu của từng dự án để chuyển tiếp phù hợp, khả thi.

Trong đó có cân nhắc đến các yếu tố hiện trạng dự án, yêu cầu về trang thiết bị thu phí, việc bố trí vốn, thời gian lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư lắp đặt trang thiết bị và vận hành thu phí.

Để đảm bảo các yêu cầu nêu trên và tránh hiểu ngày 1/10/2024 sẽ thu phí sử dụng đường cao tốc, thường trực ủy ban đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào dự thảo luật.

Chính phủ quy định về điều kiện, thời điểm thực hiện việc thu phí sử dụng đường cao tốc; việc thu phí sử dụng đối với đường cao tốc...

Về đường cao tốc, theo Chủ tịch Quốc hội, đây là nội dung mới so với luật hiện hành. Nhiều vấn đề đã được luật hóa từ thực tiễn đầu tư, xây dựng đường cao tốc thời gian vừa qua.

Ông đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý kỹ nội dung này, nhất là quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đường cao tốc; đầu tư, xây dựng, phát triển đường cao tốc; hình thức đầu tư, mối quan hệ giữa đường cao tốc với các đường hiện hữu.

chu-tich-quoc-hoi
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn 

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đánh giá kỹ đường cao tốc thế nào là đạt chuẩn, thế nào là chưa đạt chuẩn?

“Cao tốc tại một số nước thấp nhất là 4, 5 làn xe mỗi bên, còn mình thì cao tốc 3 làn xe, có nơi 2 làn xe. Cao tốc Cần Thơ-Mỹ Thuận, Mỹ Thuận-Trung Lương chỉ có 2 làn xe, Trung Lương-TPHCM thì được 3 làn xe,” Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng.

Ông cho rằng trên cao tốc, cũng phải tính toán làn xe thoát hiểm bởi cao tốc mỗi bên 2 làn xe khi xảy ra sự cố rất khó xử lý. Thực tế, vừa qua trên các tuyến đường cao tốc xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc.

Ông Mẫn nhấn mạnh: “Người ta nói đại lộ là đại phú, trung lộ là trung phú, tiểu lộ là tiểu phú. Đầu tư dòng đường, dòng điện, dòng nước sẽ tạo ra dòng đời tươi sáng.

Bất cứ nước nào nhìn vào hệ thống hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển để thấy sự phát triển của đất nước".

Chủ tịch Quốc hội lưu ý làm dự thảo luật phải nhìn quá khứ, thấy hiện tại và tương lai để tính toán hình thức đầu tư, mối quan hệ giữa đường cao tốc với các đường hiện hữu.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho hay vừa qua đã ban hành quy chuẩn đường cao tốc, trong đó cơ bản đầy đủ những vấn đề liên quan đến quy mô hay liên quan đến hệ thống giao thông thông minh.

Theo ông Thắng, tất cả các tuyến đường kết nối trực tiếp với Hà Nội và TPHCM đang quy hoạch theo hướng tối thiểu 8 làn. Nhưng thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục bổ sung quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch để tối thiểu 10 làn.