Chủ tịch Quốc hội đề nghị Úc mở cửa thị trường với nông, thủy sản Việt Nam

VOH - Chiều 25/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì lễ đón chính thức Chủ tịch Thượng viện Sue Lines. Sau lễ đón, hai bên tiến hành hội đàm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vui mừng chào đón bà Sue Lines trở lại Việt Nam trong chuyến thăm chính thức cùng Đoàn đại biểu Nghị viện Úc; cho rằng chuyến thăm lần này của Đoàn sẽ góp phần cụ thể hóa và thúc đẩy triển khai các nội hàm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mới được nâng cấp.

Chủ tịch Thượng viện Sue Lines cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Quốc hội Việt Nam dành cho Đoàn; tin tưởng qua chuyến thăm lần này, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi tích cực để tăng cường quan hệ tốt đẹp Việt Nam-Úc.

Bà Sue Lines nhấn mạnh với việc nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện, Úc và Việt Nam đã trở thành các đối tác quan trọng nhất của nhau, qua đó tăng cường hợp tác trong lĩnh vực mới để đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của hai nước về các vấn đề biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, năng lượng, gìn giữ hòa bình…

2508-tran-thanh-man-10-5645
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Thượng viện Australia Bà Sue Lines hội đàm - Ảnh: TTXVN

Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng quan hệ Việt Nam-Úc trong hơn 50 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu lớn với các dấu mốc quan trọng như thiết lập Đối tác Toàn diện năm 2009, Đối tác Chiến lược năm 2018 và nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện (tháng 3/2024) nhân chuyến thăm chính thức Úc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Điều này khẳng định tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau ngày càng được củng cố, đặc biệt là thông qua việc duy trì trao đổi đoàn thường xuyên và tiếp xúc cấp cao trên tất cả các kênh, trong đó có kênh Nghị viện.

Nhằm cụ thể hóa và làm sâu sắc hơn nữa khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Úc vừa thiết lập, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trên tất cả các kênh; tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc và các cơ chế cấp cao nhằm củng cố tin cậy chiến lược trong khuôn khổ quan hệ mới.

Tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác hiện có và mới được thiết lập với sự đổi mới về hình thức tổ chức, nội dung đồng thời triển khai hiệu quả, thực chất các thỏa thuận đã có giữa hai nước, phối hợp xây dựng Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Úc giai đoạn 2024-2028; chú trọng đẩy mạnh giao lưu nhân dân, tăng cường hợp tác thiết thực giữa các địa phương và hội đoàn hữu nghị hai nước.

Về kinh tế-thương mại-đầu tư, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ Chiến lược Kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040 của Úc; đề nghị hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế Việt Nam-Úc (EEES), hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại đạt mức 20 tỷ USD và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều trong thời gian tới; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp xuất khẩu của hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Úc sớm xem xét tích cực, đẩy nhanh quy trình mở cửa thị trường đối với các mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam.

Mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên và Úc có thế mạnh như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, khai khoáng, cơ sở hạ tầng, viễn thông, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.

Tiếp tục duy trì và tăng nguồn vốn ODA cho Việt Nam vào các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực bán dẫn, quản lý công, xây dựng chính sách công và tài chính vĩ mô.

Đánh giá Việt Nam đang phát triển kinh tế rất năng động, Chủ tịch Thượng viện Úc đề nghị hai nước tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư.

Về viện trợ phát triển chính thức (ODA), Úc cam kết hỗ trợ Việt Nam giai đoạn 2024-2025 là 95,7 triệu đôla Úc, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; mong muốn Việt Nam tiếp tục có những bước tiến để đơn giản hóa thủ tục phê duyệt dự án ODA trong thời gian tới.

2508-tran-thanh-man-4-83
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines - Ảnh: TTXVN

Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng bày tỏ mong muốn phía Úc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc; phối hợp triển khai hiệu quả Tuyên bố chung về hành động thiết thực ứng phó biến đổi khí hậu (11/2021).

Việt Nam mong muốn Úc hỗ trợ Việt Nam triển khai các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển sinh kế bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long, ứng phó với hạn hán tại các tỉnh Tây Nguyên, Trung và Nam Bộ; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ thống và chính sách tài chính hỗ trợ thành lập thị trường carbon, chuyển đổi năng lượng công bằng, năng lượng xanh, bảo vệ môi trường...

Đánh giá cao nền giáo dục của Úc, Chủ tịch Quốc hội cho biết hiện có hơn 32.700 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Úc; mong muốn tăng cường trao đổi học sinh, sinh viên và giảng viên, hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các cơ sở giáo dục-đào tạo của hai nước.

Đề nghị Úc tiếp tục tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam học tập tại Úc sau khi thông qua Quy định mới về giáo dục quốc tế (dự kiến tháng 12/2024).

Cùng với đà phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, hai nhà lãnh đạo khẳng định, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Úc không ngừng được mở rộng và đi vào thực chất.

Hai bên đang tích cực phối hợp triển khai Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Úc ký năm 2022; duy trì tham vấn, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương.

Bình luận