Chờ...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Campuchia từ ngày 21 - 24/11/2024

VOH - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ thăm chính thức Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á… từ ngày 21 - 24/11/2024.

Theo Thông cáo của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nhận lời mời của Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary và Chủ tịch Ủy ban Thường trực Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á Chung Eui-yong, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á và Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình từ ngày 21 - 24/11/2024.

Chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-181124
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Ảnh: Quốc Hội

Được thành lập vào tháng 9/2000, Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) là diễn đàn đối thoại kênh đảng lớn nhất của hơn 350 đảng chính trị ở châu Á, nhằm thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa các đảng chính trị châu Á thuộc các khuynh hướng tư tưởng khác nhau.

Sau 24 năm thành lập, ICAPP tiếp tục khẳng định vai trò là cơ chế đa phương lớn nhất của các đảng chính trị trong khu vực, đóng góp thiết thực vào quá trình kết nối và thúc đẩy hợp tác giữa các đảng chính trị châu Á, cũng như quan hệ hợp tác với các đảng chính trị ở các khu vực khác trên thế giới.

Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1967. Kể từ đó đến nay, thành quả của mối quan hệ giữa hai nước không chỉ là thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở mỗi nước mà còn thể hiện ở sự phát triển của mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực. 

Thông qua các chuyến thăm, hai bên nhất trí khẳng định lại những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ giữa hai nước, thỏa thuận những phương hướng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt, hình thành cơ chế cụ thể, từng bước đàm phán giải quyết những vấn đề còn tồn tại, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới.