Trình bày báo cáo tóm tắt tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho hay kết thúc năm 2023, chỉ số VN-Index tăng hơn 12% so với năm 2022.
Ủy ban Chứng khoán nhà nước đánh giá đây là mức tăng trưởng tốt so với các thị trường trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.
Kết quả sản xuất kinh doanh của các công ty niêm yết, CTĐC quy mô lớn còn khó khăn nhưng có dấu hiệu phục hồi vào những tháng cuối năm.
Các tổ chức kinh doanh chứng khoán có sự cải thiện về chất lượng hoạt động, duy trì với 81/82 CTCK đang hoạt động có tỉ lệ an toàn tài chính trên 180%, 43 công ty quản lý quỹ đang hoạt động với Tổng giá trị tài sản quản lý tại thời điểm 31/12/2023 đạt khoảng 639 ngàn tỷ đồng, tăng gần 16% so với thời điểm cuối năm 2022 và có 107 quỹ đầu tư chứng khoán, tăng 10 quỹ so với năm 2022.
Về thanh khoản thị trường, thống kê cho thấy cả năm, giao dịch bình quân đạt 17.579 tỉ đồng/phiên, giảm gần 13% so với năm 2022.
Năm 2023, tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 418.271 tỉ đồng, tăng 33,5% so với năm trước.
Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã hoàn tất đăng ký công ty đại chúng với 15 công ty, hủy đăng ký công ty đại chúng với 41 công ty, tổng số doanh nghiệp niêm yết lũy kế còn là 1.733.
Kết quả hoạt động của các công ty niêm yết còn khó khăn. Tổng doanh thu thuần lũy kế năm 2023 là hơn 3,77 triệu tỉ đồng, giảm 3,18% so với năm trước. Tổng lợi nhuận sau thuế lũy kế năm 2023 là 396,3 ngàn tỉ đồng, giảm 8,84%,
Điểm tích cực là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đã có sự cải thiện hơn trong nửa cuối năm 2023. Riêng trong quý 4, tổng doanh thu, lợi nhuận đều đã tăng trở lại lần lượt 2,5% và 46% so với cùng kỳ năm trước.
Một điểm đáng chú ý khác, năm vừa qua mức độ xử phạt các công ty vi phạm trên thị trường diễn ra thường xuyên hơn với các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, nên đã đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đối với các vụ việc nổi cộm trên thị trường, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết đã chủ động phối hợp với các cơ quan điều tra, xác minh, làm rõ. Các vụ điển hình được cơ quan này nêu ra như: vụ án thao túng giá cổ phiếu FLC, vụ Louis Holding, vụ APEC…
Về giải pháp năm 2024, chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, chính sách phát triển thị trường.
Quản lý điều hành thị trường chứng khoán đảm bảo an toàn, thông suốt, tạo thuận lợi cho huy động vốn phục vụ phát triển kinh tế; triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài; hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp thông qua triển khai công bố thông tin một đầu mối, cải cách thủ tục hành chính.
Đẩy mạnh giám sát, thực thi pháp luật để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật và hoạt động lành mạnh của thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, làm sạch dữ liệu nhà đầu tư và nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung hỗ trợ công tác quản lý giám sát.
Ủy ban cũng sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ, theo dõi thường xuyên liên tục với từng công ty, thực hiện kiểm tra tại chỗ, xây dựng phương án với từng trường hợp công ty chứng khoán để có biện pháp xử lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Một giải pháp nữa được nêu ra là đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường. Trong đó khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch; phát hành đa dạng các kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, khuyến khích phát hành trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh, doanh nghiệp xanh; sản phẩm hợp đồng tương lai...
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền tới công chúng đầu tư để nâng cao hiểu biết pháp luật, hoạt động của thị trường chứng khoán, góp phần giúp công chúng đầu tư có kiến thức, thông tin phòng ngừa các hoạt động gian lận trên thị trường chứng khoán và trên không gian mạng.