Các ý kiến tại Diễn đàn đánh giá cao những cam kết, nỗ lực của Việt Nam trong giảm phát thải, chuyển đổi xanh kể từ sau COP 26, những hoạt động của Thủ tướng tại COP 28, đặc biệt là việc công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Các đại biểu cũng đánh giá cao tiềm năng to lớn của Việt Nam về năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời, Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm của chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo.
Tại Diễn đàn, cộng đồng doanh nghiệp được giới thiệu về tiềm năng, nhu cầu hợp tác đầu tư, kinh doanh của mỗi bên; lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam giải đáp các vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam xây dựng đất nước dựa trên 3 trụ cột chính là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Việt Nam đang tập trung 3 đột phá chiến lược, gồm đột phá về xây dựng, hoàn thiện thể chế; đột phá về phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông; đột phá về phát triển nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính.
Hệ thống chính sách thông thoáng, hệ thống hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Thủ tướng đánh giá kể từ sau Hội nghị COP 26, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn.
Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế còn khiêm tốn, xuất phát điểm thấp, độ mở cao nhưng sức chống chịu hạn chế.
Để chuyển đổi xanh, vẫn cần sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác quốc tế về nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, huy động đa dạng các nguồn lực; công nghệ tiên tiến; đào tạo nhân lực; quản trị hiện đại; xây dựng và hoàn thiện thể chế phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam nhưng thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, kiến tạo phát triển.
Về phần mình, Việt Nam đang nỗ lực tiếp tục xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; hoàn thiện thể chế, lắng nghe các ý kiến để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh. Việt Nam tập trung và mong muốn đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực này.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, quỹ đầu tư tiếp tục coi Việt Nam là địa chỉ để gửi gắm niềm tin, Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.