Có những sai phạm nghiêm trọng trong huy động, sử dụng nguồn lực phòng, chống Covid-19

VOH - Sáng 29/5, Quốc hội thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, qua giám sát, công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cơ bản thực hiện đúng chủ trương, chính sách đã ban hành.

Trong đó, hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu chống dịch; mua, hỗ trợ nghiên cứu vaccine phòng Covid-19; mua sắm kit xét nghiệm; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc; chi trả khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19; sàng lọc, thu dung, cách ly y tế;…

Bên cạnh kết quả đạt được, Đoàn Giám sát cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, như: Hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát hết, chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh.

Có những sai phạm nghiêm trọng trong huy động, sử dụng nguồn lực phòng, chống Covid-19 1
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh - Ảnh: Quochoi.vn

Việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch từ ngân sách nhà nước trong và sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch còn chậm trễ, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm.

Công tác quản lý, điều phối nguồn lực xã hội có lúc, có nơi còn hạn chế, lúng túng trong tổ chức, thực hiện, hiệu quả sử dụng chưa cao. Đã có những sai phạm nghiêm trọng trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch...

Về kết quả đạt được của việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết qua giám sát cho thấy, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng được ban hành tương đối toàn diện, đồng bộ và từng bước được hoàn thiện để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế.

Giai đoạn 2018-2022, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là đối với đại dịch Covid-19.

Các tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng cũng được Đoàn giám sát chỉ rõ: Nhận thức về vai trò của y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đầy đủ; Tổ chức hệ thống y tế cơ sở chưa thực sự ổn định, trải qua nhiều lần thay đổi, mô hình quản lý trung tâm y tế huyện chưa thực hiện thống nhất trên cả nước.

Nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng tuy được củng cố song vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, năng lực chuyên môn.

Đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng còn chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng", một số địa phương có tỷ lệ chi cho y tế dự phòng chưa đạt 30% trên tổng chi ngân sách nhà nước cho y tế.

Đại dịch Covid-19 cũng làm bộc lộ những tồn tại, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của hệ thống quan trọng này khi dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, làm nổi lên một số vấn đề trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến huy động huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.