Còn mãi “mùa thu này ngày hăm ba...”

(VOH) - Những ngày này của 70 năm về trước, người dân Sài Gòn và Nam bộ hừng hực khí thế của “Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…”, đã nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược nước ta lần nữa, đồng thời biểu thị ý chí sắt son của quân và dân cả nước “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ!”.

Chỉ sau 21 ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thực dân Pháp với âm mưu xâm lược nước ta, một lần nữa đã nổ súng gây hấn tại Nam bộ. 

Theo ông Dương Minh Đẩu, người trực tiếp tham gia Nam bộ kháng chiến, ngay trong đêm ngày 22 rạng sáng ngày 23/9/1945, tại trung tâm Sài Gòn, những nơi thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm, đều bị quân và dân Sài Gòn chống trả quyết liệt.

Sáng sớm 23/9, Xứ ủy Nam bộ, Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5). Hội nghị đã phân tích, đánh giá tình hình, so sánh lực lượng giữa địch - ta và khẳng định: Thực dân Pháp đã nổ súng đánh chiếm các cơ quan quan trọng của ta tại Sài Gòn, bộc lộ rõ âm mưu xâm lược trắng trợn của chúng; gây nên sự căm phẫn trong các tầng lớp nhân dân, cho nên không còn con đường nào khác ngoài con đường phát động và lãnh đạo nhân dân kiên quyết đứng lên chiến đấu bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được. 

Ta ra lệnh kiên quyết đánh cho dù quân Anh có hỗ trợ, che chở cho quân Pháp! Hội nghị thành lập Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ do ông Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Chiều 23/9/1945, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ Trần Văn Giàu đã ký tuyên cáo gửi toàn thể đồng bào Nam bộ phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. 

Nhân dân Nam bộ trong những ngày đầu kháng chiến. Ảnh minh họa

Theo lệnh của Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh đã lập tức tổng bãi công, bãi khóa, bãi thị, tản cư ra khỏi thành phố, triệt phá các đường tiếp tế lương thực của địch. Khắp thành phố, mọi sinh hoạt chợ búa, giao thông, trường học đều ngưng hoạt động. Công nhân nhà máy đồng loạt nghỉ việc. Nhà đèn, nước bị phá. Mọi thứ vật dụng như: giường, tủ, bàn ghế, quầy hàng, xe bò, xe kéo, xe thổ mộ, tủ kem... đều được đưa ra đường phố làm chướng ngại vật cản bước tiến quân địch. Nhân dân được lệnh di tản.

Các lực lượng vũ trang hình thành 4 mặt trận ở ngoại ô thành phố gồm: mặt trận Thị Nghè, mặt trận cầu Tham Lương, mặt trận Phú Lâm – An Lạc và mặt trận Cần Giuộc. 

Ông Dương Minh Đẩu – một trong những nhân chứng hiếm hoi có mặt tại khu vực trung tâm thành phố Sài Gòn lúc bấy giờ - nhớ lại: “Khi xe của chúng tôi chạy đến khu trung tâm ở nhà thờ Đức Bà thì chứng kiến một trận đánh rất dữ dội tại trụ sở UBND quận 1 bây giờ, khi đó là trụ sở công ty Jean Compte của Pháp. Sau đó chúng tôi có nhiệm vụ đi liên lạc và quan sát mặt trận ở nội thành. Đi tới đâu, chúng tôi cũng thấy có một sự im lặng giả tạo. Thỉnh thoảng có tiếng súng lác đác nhưng nhìn chung là im lặng. Thế nhưng thật ra sóng ngầm đang nổi dậy, ví dụ như đường Võ Thị Sáu bây giờ ngập tràn rác, giấy tờ và đồ đạc do người dân ném ra. Đây không chỉ là để làm chướng ngại vật, mà còn là để biểu thị sự phản đối quân Pháp tái xâm lược”.

Về phía đội quân cách mạng, bên cạnh lực lượng tự vệ vũ trang được trang bị thô sơ, tầm vông vạt nhọn và tất cả những gì có thể chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Ðã có hàng vạn thanh niên, học sinh, lao động, thợ thuyền, quần chúng yêu nước tự nguyện xông ra các tuyến đường. Đồng bào cùng nhau đắp công sự chiến đấu, lập chướng ngại vật, bao vây cắt đường giao thông...

Ngay ngày 23/9/1945, giặc Pháp đã vấp phải những trận chiến đấu anh dũng của quân đội ta ở dinh Ðốc Lý (nay là trụ sở UBND thành phố), đường Verdun, ga xe lửa, cầu Ông Lãnh, chợ Bến Thành, cầu Marc Mahon (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi). Một đơn vị bảo vệ trụ sở Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam Bộ đánh địch ngay trong ngày 23/9 gây cho địch nhiều thiệt hại.

Ðặc biệt là trận chiến đấu của một tiểu đội vũ trang bảo vệ cột cờ Thủ Ngữ. Tiểu đội bảo vệ cờ có 9 thành viên được trang bị súng săn, dao găm, nhưng phải đối đầu với một đại đội quân Anh được trang bị vũ khí đầy đủ. Tiểu đội đã chiến đấu rất dũng cảm và đã anh dũng hy sinh đến người cuối cùng để bảo vệ cờ Tổ quốc. Tinh thần chiến đấu ngoan cường và đoàn kết một lòng giữa quân và dân Sài Gòn khi ấy trên các mặt trận đã trở thành biểu tượng của Nam bộ kháng chiến. 

“Nhân dân xung quanh ủng hộ bộ đội rất mạnh, nên địch không hề hay biết gì về ổ phục kích của bộ đội ta tại mặt trận Thị Nghè và bị thiệt hại nặng. Anh em ta cũng hy sinh, khi chúng ta rút đi thì một số tử sĩ được bà con chôn tại Thị Nghè. Người ta kể lại rằng sáng nào cũng thấy hương, thấy hoa được bà con đặt lên các nấm mộ tử sĩ. Cho nên có thể nói tình quân dân ở mặt trận Thị Nghè là tiêu biểu cho tinh thần kháng chiến của nhân dân Sài Gòn nói riêng, nhân dân Nam bộ nói chung”, ông Nguyễn Trọng Xuất – Tổng thư ký công trình “Lịch sử Nam bộ kháng chiến” kể.

Cuộc chiến đấu ngoan cường của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh đã kìm chân thực dân Pháp hơn một tháng tại thành phố, bước đầu phá vỡ kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh, thể hiện quyết tâm cao độ trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền đất nước của nhân dân ta. Ðồng thời, tạo điều kiện cho các tỉnh Nam bộ có thêm thời gian chuẩn bị đối phó lâu dài khi thực dân Pháp mở rộng chiến tranh ra toàn Nam bộ và cả nước. 

Với ý chí quyết tâm thà chết chứ không chịu làm nô lệ, nhân dân thành phố và miền Nam đã đi theo tới cùng của cuộc kháng chiến, chịu nhiều gian khổ hy sinh để ngăn chặn các bước tiến của kẻ thù. Từ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nhân dân thành phố và miền Nam đã tạo nên sức mạnh to lớn, vừa kháng chiến ngăn chặn kẻ thù tại nội đô, vừa đùm bọc nuôi nấng cán bộ - chiến sĩ, vừa là hậu phương lớn của chiến trường Nam bộ về sau. Đồng bào Nam bộ đã đi vào kháng chiến sau ngày độc lập chỉ 3 tuần lễ, và quân dân Nam bộ đã không tiếc hy sinh, mất mát để quyết giữ nền độc lập non trẻ. 

Ông Nguyễn Trọng Xuất khẳng định: “Khi chúng ta đã giành được chính quyền thì tình thế hoàn toàn khác trước. Trước kia là chúng ta khởi nghĩa khi chưa có chủ quyền, còn bây giờ đã có chủ quyền thì việc phát động kháng chiến đó mang tính quần chúng rất rộng rãi, mang tính nhân dân rất sâu sắc và được sự hưởng ứng rất lớn. Nhưng cái quan trọng chính là lời thề độc lập ngày 2/9: “Độc lập hay là chết! Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”. Đó là lời thề thiêng liêng, là động lực để người dân kháng chiến, đánh giặc, xả thân vì đất nước!”

70 năm đã đi qua, nhưng những năm tháng hào hùng ngày ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí của biết bao người. Lịch sử đã ghi những trang oanh liệt nhất, đánh dấu thêm một mốc son chói lọi kể từ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác.

Và như một sự liên kết không thể tách rời, khí thế hào hùng của những ngày Nam bộ kháng chiến vẫn còn vang mãi trong lòng mỗi chúng ta. “Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến. Rền khắp trời, lời hoan hô, dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền…”, những lời ca trong bài hát “Nam bộ kháng chiến” gợi cho chúng ta nhớ về một giai đoạn quật khởi của vùng đất Nam bộ “Thành đồng Tổ quốc”. 

Mùa thu năm ấy luôn là niềm tự hào, là nguồn động viên nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ vững bước tiến lên trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu đẹp…