Tiêu điểm: Nhân Humanity

Còn nhiều băn khoăn cho phương án rút bảo hiểm xã hội một lần

VOH - Chiều 27/3, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Về vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, theo Thường trực Ủy ban Xã hội ngoài các trường hợp quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, dự thảo luật do Chính phủ trình Quốc hội hai phương án:

Phương án 1, người lao động được chia làm hai nhóm:

Nhóm 1 tiếp tục được áp dụng hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm chưa đủ 20 năm sẽ được rút.

Nhóm 2 là người lao động tham gia bảo hiểm từ ngày luật có hiệu lực trở đi không được rút bảo hiểm xã hội một lần.

Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm bắt buộc, không tham gia bảo hiểm tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Còn nhiều băn khoăn cho phương án rút bảo hiểm xã hội một lần 1
 

Đa số ý kiến thảo luận cho rằng phương án 1 có nhiều ưu điểm. Có ý kiến đồng tình với phương án 2 với lý do không tạo “lát cắt” giữa các đối tượng tham gia trước và sau khi Luật này có hiệu lực. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị tích hợp phương án 2 vào nhóm 2 của phương án 1. Theo đó, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng từ sau ngày 1/7/2025 đến 30/6/2030 vẫn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo lộ trình giảm dần.

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đồng tình với phương án 2, nhưng đề nghị nghiên cứu bỏ điều kiện "sau 12 tháng", và giảm thời gian đóng chưa đủ 20 năm xuống còn 15 năm.

Theo ông Thắng, đưa ra thời hạn 12 tháng gây khó khăn cho người lao động khi cần tiền trang trải nhu cầu cấp bách trước mắt và khó khăn cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc quản lý, kiểm soát.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry nêu rõ phương án 1 tạo ra “lát cắt” giữa các đối tượng tham gia trước và sau khi luật này có hiệu lực.

Theo bà Ry, số liệu báo cáo hiện có khoảng 17 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội trong độ tuổi. Chưa có gì bảo đảm rằng trong số đó sẽ không tiếp tục rút bảo hiểm một lần. Còn người bắt đầu tham gia từ sau ngày 1/7/2025 lại không được rút một lần.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry tán thành phương án 2, lý giải phương án này sẽ quán triệt được sát hơn chủ trương của Nghị quyết số 28 của Trung ương năm 208 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Bà cho rằng nếu chưa phân tích, đánh giá, làm rõ được nguyên nhân của việc rút bảo hiểm một lần, các chính sách, điều khoản thể hiện trong dự thảo luật chưa thể đáp ứng được mong muốn, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động.

Các đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định), Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) thì đồng tình với phương án 1 vì sẽ giúp cho người lao động ổn định tâm lý, bảo lưu lại quá trình đã đóng...

Bình luận