PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP trả lời tại buổi họp báo
Theo báo cáo của Sở Y tế TP, trong năm 2015, ngành y tế đã thu hút trên 34 triệu lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh, trong đó có 40% đến 60% người bệnh đến từ khu vực phía Nam, các tỉnh miền Trung.
Nâng cao năng lực khám chữa bệnh, ngành y tế tiếp tục đầu tư phát triển y tế chuyên sâu đối với các bệnh viện tuyến thành phố, định hướng phát triển khối y tế cơ sở, triển khai mô hình trạm cấp cứu vệ tinh 115.
Trong đầu tư phát triển khối y tế cơ sở, hoạt động của trạm y tế ngày càng được chú trọng. Hiện ngành y tế triển khai 160 phòng khám bác sĩ gia đình tại 136 trạm y tế phường, 20 bệnh viện quận, huyện, 2 phòng khám đa khoa tư nhân, 2 phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân.
Về nhân lực, đảm bảo mỗi trạm có ít nhất 1 bác sĩ và phấn đấu đạt 2 bác sĩ trong thời gian tới.
Đến năm 2018, Sở Y tế sẽ hoàn tất triển khai cho 319 trạm y tế đều thực hiện mô hình bác sĩ gia đình song song với việc chuẩn hóa phác đồ điều trị của trạm y tế cũng như cơ chế chuyển tuyến.
Về lĩnh vực dược, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng dược sĩ vắng mặt tại các nhà thuốc, tình trạng dược sĩ cho thuê bằng vẫn tồn tại, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan – Phó giám đốc Sở Y tế TP cho rằng, thực trạng này chưa khắc phục được.
“Chưa khắc phục được vì hình thức xử phạt rất nhẹ. Trước mắt, tôi cũng thấy chuyện dược sĩ không có mặt mà đóng cửa, rút giấy phép một nhà thuốc rất khó nếu chỉ căn cứ theo Luật. Cho nên với tư cách là đại biểu quốc hội, tôi đề nghị tăng mức độ hình phạt, đồng thời tăng cường thanh kiểm tra”.
Sở Y tế TP cho biết mỗi năm tiến hành thanh tra 2 đợt định kì nhưng không thể kiểm soát được hơn 5.000 nhà thuốc đóng trên địa bàn TP.
Sắp tới đây, việc quản lý nhà thuốc tư nhân sẽ được tiến hành theo Luật dược sửa đổi có hiệu lực vào ngày 1/1/2017.