Công đoàn cơ sở ở đâu khi công nhân gặp khó khăn?

<b>Bài 2: “Công đoàn cơ sở ở đâu khi công nhân gặp khó khăn?” </b><br> (VOH) - Tại hội thảo định hướng chiến lược phòng ngừa và giải quyết tranh chấp lao động do Bộ LĐ TB & XH tổ chức vào tháng 2 vừa qua, ông Lê Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ,TB&XH) khẳng định, tình trạng tranh chấp lao động đang gia tăng về phạm vi và lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, mà một trong những nguyên nhân là doanh nghiệp nước ngoài đặt ra những quy định chưa phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Chuyện nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài đưa ra quy định riêng với người lao động đã nhận được sự phản ứng gay gắt. Công nhân đã nhiều lần kiến nghị với công đoàn cơ sở công ty nhưng không được giải quyết nên đã ngừng việc tập thể một cách tự phát.

Tại công ty Shilla Bags Việt Nam, công nhân phản ảnh với Ban chấp hành Công đoàn và với đích thân Chủ tịch công đoàn để yêu cầu công ty gỡ bỏ những quy định không phù hợp nhưng không được đáp ứng. Công đoàn không tổ chức được buổi đối thoại giữa đại diện tập thể công nhân và chủ doanh nghiệp để trao đổi về những vấn đề công nhân bức xúc. Vì vậy, công nhân mất niềm tin vào công đoàn cơ sở tại công ty và cho rằng công đoàn cơ sở đã không đủ mạnh để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.Trong quá trình tham gia giải quyết cuộc ngừng việc tại công ty Shilla Bags Việt Nam, ông Nguyễn Văn Trung - Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 12 khẳng định:

“Cái yếu của công đoàn cơ sở hiện nay là chưa mạnh dạn làm đúng theo chức năng và nhiệm vụ của công đoàn. Làm việc ở đó là tập trung cho công việc doanh nghiệp giao còn công đoàn là kiêm nhiệm cho nên anh em sợ. Sợ là nếu mà đứng ra làm đúng theo chức năng và nhiệm vụ đã được tập huấn thì sẽ bị doanh nghiệp đuổi việc, cái đó là đời sống. Do vậy, công đoàn của Công ty Shilla Bags chưa thể hiện được vai trò”.

 

 

 

 

Thật vậy, nếu công đoàn cơ sở vững mạnh thì sẽ tham mưu tốt với lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng những chính sách chăm lo quyền lợi cho người lao động ngày càng tốt hơn, mà cụ thể là bảo vệ được người lao động trước những việc làm không đúng luật của doanh nghiệp.

Khi bảo vệ được quyền lợi người lao động thì cũng đồng nghĩa với việc ngăn chặn được ngừng việc tập thể có thể xảy ra và ổn định được tình hình quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Ông Âu Lạp Danh - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Công nghiệp Palace – Khu chế xuất Tân Thuận chia sẻ trường hợp cụ thể mà công đoàn công ty đã bảo vệ thành công quyền lợi của người lao động trước cách quản lý nghiệt ngã của người nước ngoài: “Một công nhân ở tổ may sổ tay rời khỏi vị trí để lấy nước uống nhưng ông xưởng trưởng đòi cảnh cáo. Sau khi công nhân đoàn viên công đoàn báo cáo lại thì tôi trực tiếp gặp ông xưởng trưởng tôi nói chuyện. Chỉ vì lấy nước uống, không phải là đùa giỡn, không phải là gì khác, theo tôi, ông cảnh cáo như vậy là quá nặng, nhắc nhở thôi. Một lần cảnh cáo như vậy là trừ 20% tiền thưởng, lương không được lên luôn. Đó thì tôi trực tiếp tôi can thiệp”.

 

 

 

 

Trên thực tế, có nhiều trường hợp công nhân ngừng việc tập thể vì cách quản lý của các chuyên gia người nước ngoài tại các công ty 100% vốn nước ngoài. Nếu như công đoàn cơ sở đứng ngoài cuộc thì quyền lợi của người lao động bị vi phạm. Công đoàn cơ sở phải lấy sự bức xúc của công nhân cũng chính là sự bức xúc của mình. Mặt khác, phải tăng cường tham gia đàm phán, hòa giải để vừa bảo vệ được quyền lợi của người lao động vừa cải thiện môi trường quản lý lao động tại doanh nghiệp. Ông Liêu Quang Vinh, Chủ tịch Công đoàn Công ty Freetrend - Khu chế xuất Linh Trung 1, cho biết:

“Đứng về phía công đoàn, khi công nhân đình công vì chuyên gia nước ngoài mà thực tế xác định lại chuyên gia đó có những hành vi hoàn toàn sai pháp luật lao động Việt Nam, chẳng hạn như họ sa thải vô cớ hoặc là họ kiểm soát quá ngặt nghèo khi mà công nhân đi toilet mà không cho hoặc là con bệnh, công nhân bệnh 5, 3 ngày vô đuổi luôn, những trường hợp đó tôi rất là phản đối. Tôi yêu cầu phải xử lý đúng pháp luật Việt Nam. Đó là công đoàn phải đứng ra cùng với công đoàn cấp trên hòa giải, can thiệp để công nhân trở lại làm việc và chuyên gia cũng hứa hẹn là cải thiện.”

 

 

 

 

Phần lớn những người làm công tác công đoàn tại doanh nghiệp là kiêm nhiệm và cũng là người làm công ăn lương nên có phần nào hạn chế trong thực hiện vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Những phản ảnh, bức xúc của công nhân chỉ dừng lại ở việc chuyển đến người quản lý hay chủ doanh nghiệp mà không thể mạnh dạn đấu tranh. Vì đấu tranh thì có khi chính họ cũng bị cho nghỉ việc. Cũng có nhiều doanh nghiệp, việc thành lập công đoàn cho có theo quy định chứ thực chất mọi hoạt động đều phải theo sự chỉ đạo từ chủ doanh nghiệp.

Rõ ràng vai trò của công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp còn mờ nhạt, chưa đủ năng lực để vận động chủ doanh nghiệp và người lao động thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, chưa mạnh dạn bảo vệ việc đúng khi có tranh chấp lao động xảy ra dẫn đến cuộc ngừng việc sai luật định. Luật sư Huỳnh Phước Hiệp - Trung tâm Trợ giúp Pháp lý quận Bình Thạnh cho rằng: “Đối với trường hợp người sử dụng lao động hạn chế thời gian đi vệ sinh như vậy, về mặt khoa học là phản khoa học, thứ hai là sẽ gây bệnh cho người lao động. Chính vì vậy hành vi đó là trái quy định của pháp luật. Người lao động sẽ rất là bức xúc. Trong trường hợp này ban chấp hành công đoàn phải trình bày với người sử dụng lao động để xác định rõ, nếu như người sử dụng lao động không đồng ý với những yêu cầu chính đáng của người lao động như thế này thì ban chấp hành công đoàn buộc phải tổ chức cho người lao động đình công theo quy định của pháp luật”.

 

 

 

 

Từ việc quản lý quá chặt của công ty Shilla Bags Việt Nam cũng như một số công ty khác, có thể thấy rằng, quyền tối thiểu nhất của người công nhân đã không được xem trọng và trái với lương tâm, đạo đức của một nhà doanh nghiệp. Doanh nghiệp vì lợi nhuận, đặt ra những quy định không phù hợp với văn hóa cũng như pháp luật lao động Việt Nam, áp dụng chính sách tại nơi làm việc không rõ ràng, xử lý kỷ luật, sa thải lao động không đúng quy định…là những nguyên nhân làm gia tăng số vụ tranh chấp lao động.

Người lao động có ngưng việc thì cũng để đòi hỏi những điều hợp pháp nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của mình. Hy vọng rằng, với chức trách nhiệm vụ của mình, công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp phải luôn đứng bên cạnh người lao động, từ những kinh nghiệm tích lũy được, tổ chức nhiều cuộc thương lượng, đối thoại với nhiều hình thức cho công nhân và chủ doanh nghiệp dưới sự tham dự của các cơ quan quản lý khi có vấn đề phát sinh. Tổ chức công đoàn phải là người cùng đồng hành, đủ mạnh để bảo vệ chứ không thể để người lao động tự xoay sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình…