Công tác Tư pháp có nhiều chuyển biến nhưng còn hạn chế

(VOH) - Phần lớn ý kiến ĐBQH tán thành với báo cáo của Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao về công tác tư pháp và phòng chống tội phạm tại phiên họp chiều 26/10.

Năm 2020, Viện kiểm sát các cấp đã kiểm sát 100% việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, ban hành hơn 103.100 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh, tăng 9,6%; trực tiếp kiểm sát gần 1.300 cuộc tại Cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, kết quả, chất lượng công tác điều tra, truy tố được nâng lên, vi phạm, sai sót giảm dần.

Theo đó, tỷ lệ bắt, tạm giữ, chuyển xử lý hình sự đạt cao (98%). Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 1,06%, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.

Đề cập đến tình hình tình hình tội phạm, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn tỉnh Đồng Tháp  đánh giá cao sự nổ lực của các lực chức năng trong thời gian qua, nhưng cho rằng còn 1 số lĩnh vực cần phải tăng cường hơn thời gian tới: “Thời gian qua cơ quan chức năng có đấu tranh tích cực nhưng còn 1 số tội phạm gia tăng, tan nạn giao thông nghiêm trọng cũng tăng”.

Đại biểu tham dự Kỳ họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội ngày 26/10. Ảnh: quochoi.vn

Dù có nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, hoạt động của tòa án còn có hạn chế, thiếu sót là tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Một số ý kiến đề nghị các cơ quan cần tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm, phấn đấu trong năm 2021 đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội, chú trọng việc phân loại đơn khiếu nại và đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, rà soát các trường hợp gần hết thời hạn giải quyết để ưu tiên xử lý trước, không để quá thời hạn luật định.

Để giải quyết những hạn chế trong năm 2020, Chánh án Tòa án Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết 1 số giải pháp sẽ được tập trung triển khai:“ Thời gian tới nâng cao chất lượng xét xử, không để oan sai, chuẩn bị điều kiện làm tốt công tác hòa giải. Đẩy mạnh hướng dẫn pháp luật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng hành chính tư pháp”

Các đại biểu cho rằng mặc dù tình hình chung vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng lại gia tăng, như: hiếp dâm tăng trên 13%, gây rối trật tự công cộng tăng trên 53%; chống lại lực lượng Công an đang thi hành nhiệm vụ tăng 260%.

Trong phần tiếp thu giải trình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường nhiều giải xử lý các loại tội phạm nói chung, tội tham nhũng nói riêng quyết liệt hơn nữa: “ Đấu tranh phòng chống tham nhũng thì Đảng và Nhà nước thể hiện sự quyết tâm rất cao. Ban hành nhiều quy định, văn bản chỉ đạo giải quyết kịp thời. Quan điểm là đấu tranh triệt để và không có vùng cấm trong thời gian tới”

Cuối giờ chiều 26/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Báo cáo nêu rõ Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, là đầu tàu kinh tế của cả nước, có sức thu hút, lan tỏa đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, việc nghiên cứu để hình thành mô hình chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, dân cư, địa giới đơn vị hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh là thực sự cần thiết. Hôm nay, 27/10, các Đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về nội dung này.