Công tác tuyên giáo góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng

(VOH) - Cách đây 85 năm, ngày 1/8/1930, Ban Cổ động tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1/8” nhân kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc.

Ngày này đã trở thành một dấu mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sau đó được chọn làm Ngày Truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng. Nhân kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2015), phóng viên VOH đã phỏng vấn ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị báo cáo viên các tỉnh, thành phố, các cơ quan, đảng ủy trực thuộc Trung ương năm 2014. Ảnh minh họa: tuyengiao

* Thưa ông, nhìn lại quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Đảng ta, theo ông đâu là những dấu mốc quan trọng mà ngành tuyên giáo đã đóng góp trong suốt chặng đường 85 năm qua?

- Ông Nguyễn Thế Kỷ: Năm nay, ngành Tuyên giáo kỷ niệm 85 năm thành lập, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Trong suốt 85 năm qua, công tác tuyên giáo, lực lượng làm công tác tuyên giáo đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân khẳng định việc Đảng ta chọn chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam từ khi thành lập Đảng cho đến sau này, nhất là trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc - thống nhất đất nước.

Mỗi chặng đường đi qua thì công tác tuyên giáo luôn luôn thực hành ngọn cờ tư tưởng, lực lượng giúp cho Đảng, cho dân khẳng định được con đường đi lên của dân tộc.

Có nhiều chặng đường mà chúng ta còn nhớ là sau khi Đảng ra đời và cao trào cách mạng năm 1930-1931, mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh khi mà đi vào thoái trào, khi mà bị đế quốc-phong kiến dìm trong biển máu hay như Khởi nghĩa Nam Kỳ thì những người làm công tác tuyên giáo với việc lấy lại niềm tin, lấy lại ý chí chiến đấu cho cán bộ đảng viên và nhân dân là điều cực kỳ quan trọng. Hay trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta đã làm thất bại các cuộc chiến tranh, các chiến lược chiến tranh của Mỹ và tay sai thì công tác tuyên giáo đều đi vào tận trong mỗi người dân, mỗi cán bộ-chiến sĩ, mỗi người cán bộ đảng viên để đưa đường lối, chiến lược-sách lược của Đảng đi đến tận mỗi đơn vị, mỗi cá nhân để rồi nhân lên ngọn lửa yêu nước, ý chí chiến đấu mãnh liệt và niềm tin tất thắng đối với sự nghiệp cách mạng.

Ở những thời điểm khó khăn đó thì những người làm công tác tuyên giáo vẫn giữ vững trận địa, tuyên truyền cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên của cả đất nước.

Nhiều vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn được đặt ra được lý giải một cách khoa học, nghiêm túc, rõ ràng làm cho Đảng đủ sức giải quyết những vấn đề mới phức tạp do thực tiễn đặt ra. Công tác tuyên giáo góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, về tư tưởng. Khẳng định và bảo vệ đường lối quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giữ gìn, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, gắn kết chặt chẽ, thường xuyên với nhiệm vụ phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng-an ninh và tăng cường đối ngoại.

* Thời gian qua khi triển khai nhiệm vụ của ngành Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo phải "Làm cho công tác Tuyên giáo sống động hơn, thấm sâu hơn vào đời sống nhân dân,…". Để thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ trên, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo. Theo ông, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo hiện nay có đáp ứng yêu cầu đặt ra?

- Ông Nguyễn Thế Kỷ: Về cơ bản, ngành Tuyên giáo và những người làm công tác tuyên giáo đã có nhiều nỗ lực, có nhiều đóng góp, nhưng so với yêu cầu, so với tình hình mới thì toàn ngành cũng như mỗi cán bộ đảng viên trong ngành Tuyên giáo cũng cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa.

Công tác tuyên giáo bây giờ đặt ra nhiều thách thức. Trước hết, xã hội bây giờ có rất nhiều vấn đề mới phát sinh, có những vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Rồi các thế lực thù địch luôn chống phá ta trên nhiều mặt, đặc biệt là trên trận địa tư tưởng. Rồi việc bùng nổ công nghệ thông tin, bên cạnh những ưu điểm thì các thế lực thù địch, phản động cũng lợi dụng công nghệ thông tin để chống phá ta. Cho nên người làm công tác tuyên giáo hiện nay thì ngoài việc nâng cao bản lĩnh và vững vàng về chính trị mà còn phải giỏi về năng lực chuyên môn. Đặc biệt, tuyên giáo là ngành đòi hỏi người làm cán bộ tuyên giáo phải được trang bị bên cạnh những kiến thức cơ bản về chính trị-tư tưởng thì phải có nghệ thuật làm tuyên giáo.

Nghệ thuật làm tuyên giáo ở đây chính là phải nắm được bản chất của sự việc, hiện tượng. Phải có khả năng đánh giá, nhìn nhận, phân tích,… Và từ đó tuyên truyền, vận động, thuyết phục cán bộ đảng viên và quần chúng.

Bây giờ, người cán bộ tuyên giáo không thể nói theo kiểu sách vở mà phải nói từ những sự việc rất cụ thể, từ những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, do vậy người làm công tác tuyên giáo phải lý giải, phân tích và phải đưa ra nhận định có tính khoa học, mang tính thuyết phục và tạo sự đồng thuận của nhiều người. Cán bộ tuyên giáo hiện nay đòi hỏi phải nói được, viết được, biết xuất hiện trước công chúng, biết lên mạng để trao đổi, tuyên truyền thậm chí để đấu tranh,…

* Thưa ông, như ông vừa nói trong giai đoạn hiện nay, công tác tuyên giáo của Đảng đang đứng trước không ít khó khăn và thách thức. Để đáp ứng yêu cầu mới đang đặt ra, theo ông, các cấp ủy Đảng, ngành Tuyên giáo cần làm gì để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác Tuyên giáo trong thời gian tới?

- Ông Nguyễn Thế Kỷ: Từ thực tiễn phong phú của cách mạng, của nước ta nói chung, công tác tuyên giáo của Đảng nói riêng, theo tôi cần phải nắm vững, vận dụng một cách sáng tạo để góp phần phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Không ngừng làm giàu trí tuệ, bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn và đổi mới phong cách, cách thực hiện hoạt động của ngành Tuyên giáo, hướng về cơ sở, hướng về lớp trẻ,…

Làm cho công tác tuyên giáo gần với đời sống hơn, sinh động hơn và thực sự có sức lôi cuốn đối với các lực lượng trong xã hội.

* Cảm ơn ông.