Chờ...

Công trình cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc- Thị Nghè vẫn còn nhiều vướng mắc

(VOH) - Cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè là 1 trong 13 công trình thuộc quy hoạch 1547 của Chính phủ được phép vận dụng hình thức đầu tư tổng thầu IPC (thiết kế, tổ chức thi công và cung ứng máy móc, thiết bị). Do lần đầu tiên thử nghiệm hình thức tổng thầu này nên đã phát sinh nhiều vấn đề làm chậm trễ thời gian xây dựng và trong quá trình thực hiện đã gây ra nhiều trở ngại cho nhà thầu thi công.
Cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc- Thị Nghè có ý nghĩa lớn trong việc chống ngập cho 7 quận dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (ảnh minh họa: SGTT)

Cống này có ý nghĩa lớn trong việc chống ngập cho 7 quận dọc theo kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè, trong đó quận Bình Thạnh là nơi hưởng lợi nhiều nhất từ dự án này. Cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè được 1 nhóm nhà khoa học thuộc Viện khoa học thủy lợi Việt Nam thiết kế, đầu tư xây dựng theo công nghệ mới đập trụ đỡ và đập trụ sà lan. Việc này thuận lợi và phù hợp với địa hình kênh rạch TP.HCM nhưng vì áp dụng đầu tiên hình thức tổng thầu IPC, chưa có hướng cụ thể trong đấu thầu, thanh toán, làm giá thầu gây bất lợi cho nhà thầu và cả chủ đầu tư. Trong khi triển khai rà soát lại từ thiết kế cơ sở đến thiết kế kỹ thuật, vốn có tăng khoảng 5%, quá nhỏ so với các dự án khác, thế mà vẫn vướng khâu cách quản lý chi phí, hình thức đấu thầu và thanh toán thầu liên quan đến kho bạc.

Theo nhà thầu, thủ tục thanh toán không rõ ràng có thể dẫn chứng trường hợp sau đây: trong hợp đồng ký kết với chủ đầu tư ghi hạng mục thân cống nhưng trong thiết kế kỹ thuật không thể ghi như vậy mà chi tiết hơn. Chẳng hạn tuốcbin là bao nhiêu, trong đó bản đáy, sắt thép là bao nhiêu…để cấu thành giá thầu. Dĩ nhiên từng loại như thế có kèm theo giá thì khi quyết toán lại trái với hợp đồng chỉ ghi là thân cống do không cùng hạng mục nên không được thanh toán, nhà thầu đành phải phải ứng vốn để làm tiếp các hạng mục này. Và còn nhiều vấn đề khác liên quan đến hình thức đấu thầu IPC cũng chưa rõ ràng cho nên ông Thái Quốc Hiền, chủ nhiệm dự án thuộc Viện khoa học thủy lợi Việt Nam kiến nghị:




Mặt bằng giải tỏa dự án cũng là vấn đề nan giải, chờ đợi thủ tục làm kéo dài thời gian thực hiện dự án mất gần 2 năm. Nếu không bị vướng mặt bằng thì dự án thi công trong vòng 1 năm rưỡi là hoàn tất. Đã vậy cho đến giờ một phần mặt bằng còn lại của dự án cũng chưa giải quyết đâu vào đâu, dù cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã thi công được 80% khối lượng công việc và đang chống ngập hiệu quả do triều cường cho nhiều quận dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ông Vũ Văn Bình, Giám đốc Ban quản lý dự án 1.547 đề nghị:


Công trình này hiện nay dù đã có tác dụng chống ngập do triều nhưng muốn chống ngập hiệu quả do mưa thì còn phải có 8 máy bơm với công suất 4000m3/giây và máy biến áp, máy phát điện. Tuy nhiên vị trí lắp đặt các thiết bị này lại nằm trên phần mặt bằng của hộ dân Đoàn Văn Ngọt ở phường 22 quận Bình Thạnh chưa giải tỏa xong. Ông Nguyễn Thế Thiện, Chỉ huy phó công trường dự án cho biết:


Trong cuộc họp gần đây, Ban bồi thường - giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh vẫn chủ trương vận động thuyết phục hộ dân này là chủ yếu. Trường hợp nếu vận động không được thì quận xin ý kiến Sở Tài nguyên - Môi trường để ra quyết định cưỡng chế, thời gian cưỡng chế chắc chắn sẽ mất 3 tháng nữa, nghĩa là đến tháng 9/2013 mới có mặt bằng thi công. Như vậy là trong mùa mưa này các phường thuộc 7 quận dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vẫn còn bị ngập nước.

Khó khăn khác nữa mà theo giám sát viên Trần Văn Sơn của Ban quản lý dự án 1547, lúc đầu mặt bằng bị ảnh hưởng của dự án thuộc Xí nghiệp liên hợp Ba Son nằm ở phía quận 1 theo quyết định của UBND TP.HCM là trên 2.000m2. Do nhu cầu sử dụng mặt bằng, Xí nghiệp đã kiến nghị và xin ý kiến của cấp trên kéo dài thời gian giảm còn 900m2 nhưng cho đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức. Trong điều kiện như thế, đơn vị liên danh các nhà thầu tổ chức thi công hạng mục cầu công tác, khuôn viên và bờ kè hành lang an toàn rất chật vật.

Cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè được đầu tư bằng công nghệ mới được giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012 do nhóm tác giả nhà khoa học, trong đó có giáo sư tiến sĩ Trần Đình Dụ. Và như chúng tôi đã đề cập, dự án này lại áp dụng đầu tiên hình thức tổng thấu IPC tất nhiên không tránh khỏi những khó khăn trong quá trình chuẩn bị đầu tư và triển khai công trình. Sau gần 2 năm thực hiện, trước những khó khăn đó, nếu rút ra được bài học và giải quyết nhanh về vướng mắc giải phóng mặt bằng thì không chỉ đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành những việc còn lại của dự án mà còn có kinh nghiệm đầu tư cho các cống khác trong quy hoạch 1547 sau này./.