"Cú đấm mạnh" chấn chỉnh lĩnh vực an toàn lao động

(VOH)- Từ tháng 4/2016 đến tháng 10/2016, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố mở chiến dịch thanh tra toàn diện an toàn lao động trong ngành xây dựng. Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) trao đổi với ông Huỳnh Tấn Dũng– Chánh thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM.

Theo thống kê tại TPHCM, năm 2015 xảy ra 68 vụ làm chết 110 người. Riêng từ đầu năm 2016 đến nay có 19 vụ tai nạn lao động thì có 17 vụ là tai nạn làm chết người. Đặc biệt có 65% các vụ tai nạn lao động chết người trong ngành xây dựng. Nguyên nhân chủ yếu là chất lượng thi công công trình không đảm bảo; khoảng 80% số công nhân ngành xây dựng là lao động tự do, lao động phổ thông, thiếu kiến thức về an toàn vệ sinh lao động. 

Ông Huỳnh Tấn Dũng – Chánh thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM. Ảnh: TPO

*VOH: Ông cho biết sẽ thanh tra tập trung những hạng mục nào?

Ông Huỳnh Tấn Dũng: Yêu cầu trong chiến dịch năm 2016 có sự thống nhất về nội dung cả nước và thanh tra Bộ sẽ có đợt tập huấn cho các vùng. Trong đó, vùng 4 là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ, trọng tâm là 12 chủ đề trong đề cương hướng dẫn của thanh tra Bộ.

Thành phố triển khai cụ thể thanh tra trong công trường và doanh nghiệp xây dựng.

*VOH: Tinh hình tai nạn lao động trong xây dựng thời gian qua ở TPHCM tăng hay giảm và nguyên nhân?

- Ông Huỳnh Tấn Dũng: Tỷ lệ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết người lĩnh vực xây dựng ở thành phố rất cao. Năm 2011 đến nay đều trên 50% cho thấy tai nạn lao động trong công trình xây dựng chưa được kiểm soát hiệu quả.

Đặc biệt, các công trình ở thành phố mỗi năm nhiều hơn và tỷ lệ tai nạn vẫn dao động khoảng 50 đến 60 vụ/năm, do đó, cần phải có một “cú đấm mạnh” để giải quyết có trọng tâm, trọng điểm, huy động tổng lực các cơ quan ban ngành kể cả doanh nghiệp trong việc kiểm tra và tự kiểm tra.

*VOH: Theo ông, vì sao tai nạn lao động trong ngành xây dựng ở nước ta lại luôn cao nhất so với các ngành khác? Các cơ quan chức năng cần phải làm gì để hạn chế tối đa?

Ông Huỳnh Tấn Dũng:

Tai nạn lao động trong xây dựng cao vì đây là một ngành nghề hết sức nguy hiểm, tính chất ổn định lâu dài không giống các hoạt động sản xuất công nghiệp.

Ở công trình xây dựng, nếu đảm bảo tốt các điều kiện an toàn thì các hạng mục, các nội dung công việc luôn luôn thay đổi tùy vào tiến độ thi công, cho nên đòi hỏi biện pháp an toàn phải thường xuyên được kiểm soát, thay đổi và phải hướng dẫn đến từng đối tượng, người quản lý cũng như công nhân.

Chỉ cần không hài hòa trong phối hợp thì sẽ xảy ra sự cố.

 Tai nạn lao động trong ngành xây dựng ở nước ta luôn cao nhất so với các ngành khác. Ảnh: NLĐ

*VOH: Theo ông, ý thức của công nhân và sự quản lý nghiêm của người sử dụng lao động, cái nào quan trọng hơn?

Ông Huỳnh Tấn Dũng: Hai yếu tố này có quan hệ với nhau.

Người lao động muốn có ý thức cao, tốt thì phải có sự quản lý nghiêm khắc và chặt chẽ của nhà quản lý. Nhà quản lý mà xem thường hành vi vi phạm của công nhân sẽ tạo tiền lệ hình thành thói quen xấu. Như vậy, dù người lao động có ý thức cũng không thể giữ được phẩm chất này.

Chính vì vậy, phải có sự hợp tác giữa hai bên. Quản lý phải tuân thủ quy định về quản lý an toàn và phải nghiêm khắc. Người lao động phải tuân thủ đến mức nhuần nhuyễn như một phản xạ, thói quen.

Chính vì vậy, việc tự kiểm tra cũng như quy định của Nhà nước là có người giám sát an toàn lao động ở ngành xây dựng là yêu cầu hàng đầu.

Còn việc mà nâng cao nhận thức cho người lao động thời vụ là cực kỳ khó. Để làm tốt điều này, đòi hỏi các chỉ huy công trường phải thực sự quan tâm. Họ là người tuyển công nhân cho nên chính những người này phải gương mẫu tuân thủ pháp luật về an toàn.

Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước phải tăng cường hơn việc kiểm tra cũng như truyền thông, từ đó giúp các đơn vị hình thành một nề nếp quản lý tốt. Nếu không có sự phối hợp thì việc nâng cao nhận thức cho người lao động mà đặc biệt là lao động thời vụ là rất khó.

*VOH: Có thông tin cho rằng, một số nhà thầu luôn tìm cách giấu tai nạn và thỏa thuận đền bù với gia đình nạn nhân. Do đó, số liệu tai nạn cũng không đầy đủ. Theo ông, có khả năng xảy ra tình trạng này?

Ông Huỳnh Tấn Dũng: Tất nhiên là có.

Nhiều trường hợp tự thỏa thuận là lao động tự do hoặc theo nhóm, vùng miền. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để người lao động hiểu biết pháp luật và tuân thủ. Đồng thời, những chủ nhà, người thuê mướn phải hiểu biết để tuân thủ tốt quy định của pháp luật. Điều này cần sự quản lý và phối hợp giữa nhiều bên.

*VOH: Cảm ơn ông!

Bình luận