Cục Hàng không Việt Nam báo báo kết quả rà soát giá vé máy bay

VOH - Cục Hàng không VN vừa báo cáo Bộ GTVT kết quả rà soát, kiểm tra giá vé máy bay của các hãng hàng không, tập trung vào giai đoạn từ ngày 1/1/2023 đến ngày 4/5/2024.

Từ ngày 7/5 đến ngày 9/5, Cục Hàng không đã thực hiện việc kiểm tra với các hãng hàng không Vietnam Airlines (VN), VietJet Air (VJ), Bamboo Airways (QH) và Vietravel Airlines (VU); đồng thời kiểm tra tại đại lý bán vé của các hãng (2 đại lý bán vé của mỗi hãng VN, VJ và 1 đại lý của mỗi hãng QH, VU); tập trung vào giai đoạn từ ngày 1/1 đến ngày 4/5/2024.

Qua kiểm tra cho thấy các hãng hàng không đều thực hiện việc kê khai giá theo khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa do Bộ GTVT quy định.

Trên cơ sở khung giá, mỗi hãng hàng không sẽ có các mức giá khác nhau (VN có 17 mức giá, VJ có 20 mức giá, QH có từ 12-15 mức giá và VU có 18 mức giá cho từng chặng bay) và các mức giá này không vượt mức tối đa theo quy định.

VOH may bay
Ảnh minh hoạ: VOH

Về thực hiện công khai, niêm yết giá dịch vụ vận chuyển hàng không: Các hãng đã thực hiện niêm yết giá vé đầy đủ, bao gồm giá dịch vụ vận chuyển, phụ thu quản trị hệ thống, phụ thu dịch vụ hệ thống, phụ thu dịch vụ tiện ích, phụ thu dịch vụ đặt vé (nếu có), các khoản thu hộ (dịch vụ phục vụ hành khách và đảm bảo an ninh hành khách, hành lý) và thuế VAT.

Hành khách khi truy cập vào các trang web bán vé của các hãng hàng không, sau khi lựa chọn hành trình và ngày đi sẽ nhận được thông tin giá vé đầy đủ cần phải thanh toán trước khi mua vé.

Các khoản phụ thu nằm trong giá vé như phụ thu quản trị hệ thống, phụ thu dịch vụ hệ thống của các hãng dao động từ 430.000 đồng đến 480.000 đồng tùy hãng và được thể hiện ở phần phụ phí (cùng với mục thuế, phí cùng với các khoản thu hộ; tuy nhiên, việc hiển thị thông tin chưa đồng nhất giữa các hãng).

Đối với các vé được bán trực tiếp tại phòng vé, các hãng đều thu thêm một khoản phí khoảng 50.000 đồng và khoản này không áp dụng khi khách mua trực tuyến trên trang web, ứng dụng điện thoại chính thức của hãng, hoặc các kênh bán vé máy bay trực tuyến chính thức khác (ngân hàng liên kết, đại lý điện tử như Traveloka, aBay, VnPay...).

Ngoài ra, các khoản phụ thu dịch vụ tăng thêm (không bắt buộc) tùy theo nhu cầu của hành khách (chọn chỗ ngồi, mua thêm hành lý ký gửi, chọn suất ăn, bảo hiểm du lịch...) cũng được các hãng niêm yết, công khai trên website chính thức của các hãng, khi khách hàng lựa chọn sử dụng dịch vụ sẽ nhận được thông tin đầy đủ về chi phí phải trả trước khi thanh toán.

Trong giai đoạn từ ngày 1/1/2024 đến ngày 30/4/2024, so sánh với cùng kỳ năm 2023, các mức giá vé hạng phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa của các hãng về cơ bản có sự gia tăng.

Tại 3 đường bay trục (gồm: Hà Nội - TPHCM, Hà Nội - Đà Nẵng và TPHCM - Đà Nẵng), giá vé trung bình của các hãng đều tăng. Trong đó, Vietnam Airlines tăng tương ứng 19,9%; 28,4% và 14,9%. Vietjet tăng 17,9%; 39,9% và 27%. Bamboo Airways tăng 2,1%; 24,4% và 22,5%) và Vietravel Airlines tăng 10,2%; 17,7% và 18,6%.

Tỷ lệ cung ứng trên các phân khúc  giá vé cao, giá vé trung bình, giá vé thấp của các hãng với 03 đường bay trục (gồm: Hà Nội - TPHCM, Hà Nội - Đà Nẵng và TPHCM - Đà Nẵng) của các hãng được ghi nhận như sau:

Mặc dù có sự gia tăng về tỷ lệ phân khúc giá cao, nhưng chiếm phần lớn trong cơ cấu giá vé bán ra của các hãng vẫn ở phân khúc giá thấp và trung bình (từ 60% đến 70% số lượng vé bán ra).

11 hành khách phản ánh về việc mua vé máy bay giá cao

Đến ngày 10/5, Cục Hàng không đã nhận được 11 thông tin phản ánh của hành khách (gửi thư điện tử) về việc mua vé giá cao.

Kết quả kiểm tra đối với 11 trường hợp phản ánh về giá vé này không có trường hợp nào có tình trạng vé bán vượt khung giá theo quy định. Cục Hàng không đang triển khai việc trả lời, giải đáp thông tin đến những hành khách đã có phản ánh.

Thời gian tới, Cục Hàng không sẽ tiếp tục triển khai kênh tiếp nhận thông tin và xử lý, giải đáp các nội dung liên quan đến vấn đề giá vé cao so với quy định khi nhận được ý kiến phản ánh của hành khách.

Bình luận