Báo cáo tại Hội nghị, bác sĩ Trần Minh Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai cho biết, tính đến hết ngày 8/10, Đồng Nai ghi nhận 2.880 trường hợp tay chân miệng nhập viện, đặc biệt trong tháng 9, bệnh liên tục tăng cao, lên đến 200 trường hợp nội trú và 500 trường hợp ngoại trú mỗi tuần. Cùng với bệnh tay chân miệng, bệnh sởi cũng có dấu hiệu gia tăng từ tháng 8, đến nay địa phương này ghi nhận 190 ca mắc sởi.
Còn với tỉnh Bình Dương, thông tin từ Sở Y tế, từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh này có 112 ca mắc sởi và hơn 3.000 ca bệnh tay chân miệng.
Tại TPHCM, thống kê trong 9 tháng đã có hơn 21.300 trường hợp tay chân miệng ngoại trú, hơn 4000 trường hợp nội trú và trên 130 ca sởi.
PGS Phan Trọng Lân phát biểu tại hội nghị
Qua điều tra dịch tễ của Viện Pasteur TPHCM cho thấy tình hình mắc sởi và tay chân miệng liên tục tăng cao, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đông Nam Bộ như tại Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu …. Tại những khu vực nguy cơ cao này, giám sát dịch tễ cho thấy, tỷ lệ tiêm phòng sởi mũi 1 và mũi 2 chưa đạt, một số nơi trẻ mắc sởi không được cách ly.
Dịch bệnh có chiều hướng phát sinh ở các khu vực các khu công nghiệp, nơi có số lượng công nhân lao động, người nhập cư, đối tượng vãng lai di biến động. Bên cạnh đó, điều kiện nhà ở, vệ sinh môi trường, nước thải, nước sạch vô cùng kém là điều kiện lý tưởng phát sinh dịch bệnh.
Đặc biệt, có đến 90% đối tượng là người nhập cư, công nhân chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng. Viện Pasteur TP lưu ý, các địa phương cần vận động sự tham gia vào cuộc của hệ thống chính quyền địa phương, các đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng tham gia vào việc phòng chống dịch bệnh.
Tại hội nghị, PGS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế thừa nhận, năm 2018, dịch bệnh tay chân miệng và sởi chủ yếu tăng tại các địa phương có sự giao lưu đi lại thường xuyên. Bên cạnh đó điều kiện nhà ở, vệ sinh môi trường kém cũng là tác nhân gây bệnh.
Tuy nhiên, ông Phu cho rằng, khó nhất vẫn là việc không kiểm soát được lịch sử tiêm chủng của người dân: “Cách đây 5 hay 10 năm, việc vận động tiêm chủng là khó khăn nhưng hiện nay với nhiều ông bố bà mẹ tiêm chủng là một nhu cầu. Thậm chí người ta còn đưa con đi tiêm chủng dịch vụ để mong muốn cho con mình thuận lợi hơn, tốt hơn nhưng rõ ràng bộ phận nào đó người dân do không hiểu biết, lơ là với sức khỏe của con cái, gia đình không đưa đi tiêm chủng, chưa kể bộ phận nhỏ theo trào lưu anti vắcxin mà tại một số nước sởi bùng phát lại cũng vì vậy”.
Theo đánh giá từ Cục Y tế dự phòng, dịch bệnh năm nay so với cùng kỳ năm ngoái cụ thể với tay chân miệng thấp hơn 20%, sốt xuất huyết thấp hơn khoảng 55%, số ca sởi cũng thấp hơn.
Tuy nhiên, trước diễn biến của dịch bệnh, đặc biệt là khu vực phía Nam, Cục Y tế dự phòng đã chủ động thông tin tuyên truyền cũng như chỉ đạo ngành y tế các tỉnh, thành kiên quyết ứng phó không để dịch bệnh bùng phát. Đối với bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng chỉ đạo thực hiện tiêm vét trong tháng 12/ 2018 và tháng 1/2019 nhất là các tỉnh có nguy cơ cao./