Cục Y tế dự phòng giám sát trường hợp nghi nhiễm vi rút Zika tại Đắk Lắk

(VOH) - Ngày 18/10, Đoàn công tác gồm Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã đến gia đình bé 4 tháng tuổi nghi mắc vi rút Zika tại tỉnh Đắk Lắk.

Báo Công Lý đưa tin, bệnh nhân bị mắc chứng đầu nhỏ, nghi nhiễm vi rút Zika là em H’Lệ Mlô (4 tháng tuổi), con chị H’Blươn Mlô, buôn TLan, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk.

Đoàn công tác của Bộ Y tế đến thăm hỏi gia đình bé gái 4 tháng tuổi nghi mắc vi rút Zika. Ảnh: Báo Công Lý

Theo thông tin ban đầu, chị H’Blươn Mlô mang thai 3 tháng có triệu chứng phát ban toàn thân, đau đầu, mệt mỏi, được điều trị tại phòng khám tư nhân. Đến tháng 6/2016, chị H’Blươn sinh bé H’Lệ tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ.

Đến ngày 8/9, sau khi phát hiện bé H’Lệ Mlô có triệu chứng đầu nhỏ, chị H’Blươn Mlô và gia đình đã đưa cháu bé đi khám tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk và sau đó chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 1 để tiếp tục điều trị. Tại đây bé được chẩn đoán bị chứng đầu nhỏ.

Sau khi điều tra bệnh, Cục Y tế dự phòng đã hướng dẫn người nhà cách điều trị, chăm sóc bé H’Lệ Mlô, tiếp tục lấy mẫu nước tiểu những người thân trong gia đình để tiến hành làm xét nghiệm, chẩn đoán.

GS-TS Đặng Quốc Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết : “Sáng nay, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến gia đình cháu bé nghi mắc vi rút Zika, hiện chúng tôi lấy mẫu xét nghiệm để đưa ra kết luận chính thức. Qua đây, chúng tôi cũng đề nghị các bà mẹ mang thai cần đi khám theo dõi thai nhi thường xuyên, khi phát hiện có dị tật, nghi vấn do vi rút Zika cần báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử lý”.

Cũng theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng  cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng đầu nhỏ như trẻ mắc Rubela, nhiễm trùng, nhiễm độc, giang mai… Đối với trường hợp của cháu H’Lệ Mlô, chúng tôi tiếp tục lấy mẫu phối hợp với Đại học Nagasaki Nhật Bản xét nghiệm".

Tại buổi làm việc với chính quyền địa phương, Tổ công tác cũng đề nghị ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk cần tăng cường, giám sát phòng chống sốt xuất huyết, Zika theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế, tổ chức phun hóa chất, khoanh vùng dập dịch, vận động người dân tự diệt muỗi. Tuyên truyền cho phụ nữ có dự định mang thai, phụ nữ có thai thực hiện triệt để các biện pháp phòng bệnh như mặc áo dài tay, mua kem chống muỗi…

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tình hình dịch bệnh do vi rút Zika trên thế giới vẫn đang có những biến phức tạp, hiện đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút Zika. Ngày 11/10/2016, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo dịch bệnh do vi rút Zika đang có dấu hiệu lan rộng tại châu Á và có khả năng sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút Zika do sự phân bố rộng của véc tơ truyền bệnh trong khu vực, gia tăng giao lưu, du lịch đến và đi từ các quốc gia có dịch và miễn dịch quần thể thấp. Tại khu vực Đông Nam Á ghi nhận 7/10 quốc gia có sự lưu hành vi rút Zika. Tại Việt Nam, đến ngày 17/10/2016 đã ghi nhận 07 trường hợp nhiễm vi rút Zika tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.