Cụm tình báo H63 - Ký ức một thời hoa lửa

(VOH) - Trong lịch sử tình báo quân sự Việt Nam, cụm H63 anh hùng với “Điệp viên hoàn hảo” Phạm Xuân Ẩn, đã lập nhiều chiến công hiển hách. Kỷ niệm 45 năm Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu thân 1968, chúng tôi đã tìm gặp Đại tá, Anh hùng lực lượng Vũ trang Nguyễn Văn Tàu mà mọi người vẫn thường gọi ông bằng tên thân thương: Chú Tư Cang, Cụm trưởng Cụm tình báo H63, người chỉ huy của những nhà tình báo huyền thoại như Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Thị Mỹ Nhung, bí danh Tám Thảo .... đã góp phần không nhỏ cho hòa bình, độc lập dân tộc hôm nay.

Chiều cuối năm Nhâm Thìn, chúng tôi tìm đến nhà ông. Và trong căn nhà nhỏ đơn sơ nằm sâu nơi con hẻm cuối đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh người cụm trưởng H63, Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu, mà mọi người vẫn thường gọi ông với cái tên thân thương: Tư Cang. Ông đã kể với chúng tôi câu chuyện bi hùng của mùa xuân Mậu Thân 1968, cách đây đúng 45 năm. “Một trong những cái Tết đáng nhớ nhất của Cụm tình báo H63 có lẽ là Tết Mậu Thân 1968”, ông Tư Cang mở đầu câu chuyện như thế.

Dù đã bước qua tuổi 85, nhưng ông vẫn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn và đặc biệt minh mẫn, khi nhớ lại từng sự kiện đã xảy ra 45 năm trước. Ông Tư Cang kể: Tối mùng 1 Tết Mậu Thân, các chiến sĩ biệt động thành của ta, tấn công vào Dinh Độc Lập, nhưng bị địch đẩy lui ra. Đường Nguyễn Du và đường Thủ Khoa Huân ở chợ Bến Thành, góc ngã tư này có công trình xây dang dở, anh em bên mình phòng ngự trong tòa nhà đó. Trong trận đánh Mậu Thân 1968, ông đang ở trong nhà đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Nhung, bí danh Tám Thảo, một thành viên của cụm tình báo H63, gia đình đồng chí Tám Thảo là cơ sở cách mạng. Trong thời khắc nguy nan ấy, khi thấy các đồng chí của mình bị vây hãm và súng cũng gần hết đạn nên ông đã quyết định bắn chi viện và đánh lạc hướng kẻ thù nhằm tạo thời cơ cho đồng đội rút lui.


Với 2 phát đạn K54, xạ thủ Tư Cang đã bắn vỡ đầu hai tên chỉ huy của kẻ thù. Bắn xong 2 viên đạn thì ông giấu súng. Tụi địch hoảng sợ, lùng sục các nhà dân, nhằm tìm cho được người đã bắn chết 2 tên chỉ huy của chúng. Bọn địch chạy qua Thủ Khoa Huân, rồi vào nhà cô Tám Thảo, nơi ông đang ẩn náu. Bên dưới nhà cô Tám Thảo, bọn giặc đang lục soát, khi ấy ở trên lầu ông đã chuẩn bị cho mình 2 viên đạn, phòng khi bị bắt để khỏi phải lọt vào tay kẻ thù. Nhưng bằng tài trí của cô Tám Thảo mà kẻ địch chỉ lục soát nhà một lúc rồi rút lui. Rạng sáng mồng hai Tết Mậu Thân 1968, quân ta đồng loạt nổ súng đánh vào một số điểm quan trọng của địch trong nội đô Sài Gòn như Tòa đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập, Biệt khu thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, Bộ tư lệnh Hải quân, Sân bay Tân Sơn Nhất,… Riêng đơn vị biệt động đánh vào Dinh Độc Lập, sau khi hoàn thành nhiệm vụ rút ra cổng đường Nguyễn Du - Thủ Khoa Huân.

Nói về thời khắc lịch sử và những đóng góp quan trọng của cụm tình báo H63, trong Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu, (Tư Cang) bồi hồi nói:

Đã 45 mùa xuân trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc lại trận đánh hào hùng mùa xuân 1968, giọng người nữ tình báo Nguyễn Thị Mỹ Nhung, bí danh Tám Thảo như trùng xuống. Bà nói: “Trong giờ phút nguy nan ấy, tôi chỉ nghĩ đến nhiệm vụ và Tổ quốc là trên hết. Nếu có chết thì xin được chết vẻ vang, bên đồng chí, đồng đội,…” Tham gia lưới tình báo H63 từ năm 1960 cho đến ngày đất nước thống nhất, cũng như các đồng chí Phạm Xuân Ẩn, Hoàng Nam Sơn,… bà Tám Thảo đã lập nên rất nhiều chiến công, góp phần quan trọng vào thắng lợi mùa xuân lịch sử mùa xuân 1975. Khi nhắc đến người Cụm trưởng tình báo H63, anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu, bà dùng những lời thân thương, cảm phục để nói về ông. Bà không chỉ xem ông Tư Cang như người chỉ huy, người đồng chí dũng cảm, can trường và mưu trí mà bà còn coi ông như người anh ruột thịt trong gia đình. Và rồi khi nhớ lại những giây phút đấu trí căng thẳng với kẻ thù trong những ngày đầu xuân Mậu Thân 1968, cách đây 45 năm, giọng của bà Tám Thảo hào sảng, kể:

Sau sự kiện xuân Mậu Thân 1968, cuộc chiến đấu thầm lặng của những điệp viên tài trí Cụm tình báo H63 tiếp tục cho đến ngày giải phóng. Công việc của người chiến sĩ tình báo đầy hiểm nguy với những lần sinh mệnh ngàn cân treo sợi tóc, nhưng họ không thể quên những ngày Tết Mậu Thân ấy. Cứ mỗi dịp Tết gặp nhau, khúc bi tráng của mùa xuân Mậu Thân 1968 và hình ảnh của những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn lại được Cụm tình báo H63 nhắc nhớ như một lời thề son sắt với đồng đội: Sự hy sinh này của các anh chị mãi mãi bất tử.


Ông Tư Cang và bà Tám Thảo trong một buổi họp mặt cán bộ tình báo - Ảnh: TNO.

Mùa xuân thứ 38 sau ngày đất nước thống nhất, Đại tá anh hùng Tư Cang nay đã bước vào tuổi 85 và bà Tám Thảo cũng bước qua tuổi 81, nhưng ở họ có một điểm chung là sự nhanh nhẹn và đặc biệt minh mẫn...! Ngồi nghe họ kể về những năm tháng cùng đồng đội và quân dân cả nước quả cảm, dũng mãnh tổng tiến công trên các mặt trận để đất nước đi đến ngày thống nhất, chúng tôi - những thế hệ được sống trong cảnh nước nhà độc lập và phát triển hôm nay thật sự xúc động, tự hào về lớp cha anh đi trước và nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc. Chia tay người Cụm trưởng tình báo H63, Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu, trong buổi chiều gió xuân đang ùa về trên khắp thành phố, lòng tôi bỗng chợt lâng lâng một cảm xúc ngập tràn hạnh phúc. Tận sâu thẳm là lòng biết ơn những người con ưu tú đã anh dũng sống, chiến đấu và xả thân cho Tổ quốc.