Các loại hình văn hóa phi vật thể của mỗi dân tộc được bảo tồn và phát huy, tạo nên nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Xung quanh tiến trình tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp quận, huyện tiến tới Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố lần II (nhiệm kỳ 2014 - 2019), phóng viên Đài TNND TP.HCM phỏng vấn ông Tăng Cẩm Vinh - Phó trưởng Ban Dân tộc TP.HCM.
- Thưa ông, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, khẳng định Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm nhiều dân tộc cùng sinh sống, luôn kề vai sát cánh trong quá trình dựng nước và giữ nước. Ông cho biết quan điểm chỉ đạo, một số nội dung quan trọng của Đại hội ?
Ông Tăng Cẩm Vinh: Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP.HCM lần II và các quận, huyện lần thứ nhất diễn ra trong bối cảnh thành phố đang trong quá trình hướng tới chuẩn bị Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ 9. Đại hội lần này đánh giá tổng kết công tác dân tộc, khẳng định đường lối nhất quán của Nhà nước về dân tộc và đại đoàn kết dân tộc trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là đối với TP.HCM, đang thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 8 với 8 giải pháp. Đại hội cũng khẳng định và ghi nhận công lao của đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình cùng xây dựng thành phố trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Đại hội lần này cũng mang ý nghĩa củng cố niềm tin và tạo sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc thiểu số hướng tới quyết tâm xây dựng và bảo vệ TP.HCM và các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Đại hội cũng tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số đóng góp trên các lĩnh vực của Thành phố.
- Ông đánh giá thế nào về công tác tổ chức Đại hội ở một số quận, huyện trên địa bàn tại TP.HCM vừa qua, thưa ông ?
Ông Tăng Cẩm Vinh: Đến nay, đã có 3 quận tiến hành xong đại hội như quận 5, 1 và 8 và một hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số đã diễn ra. Các cấp ủy Đảng tập trung chỉ đạo rất cụ thể và quan tâm chặt chẽ trong quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội của các quận, huyện cũng như của Thành phố. Đặc biệt, lãnh đạo TP cũng dành khá nhiều thời gian để hình thành Ban Chỉ đạo. Từ ban tổ chức, kể cả huy động các Sở, ngành có liên quan để chỉ đạo tập trung. Qua các thí điểm đại hội điểm và hội nghị, công tác chuẩn bị cho Đại hội thành công khá mỹ mãn và đạt đúng yêu cầu theo quy định của Trung ương, cũng như theo sự chỉ đạo trực tiếp của UBND TP.
-Thưa ông, mỗi kỳ đại hội, nhân sự là một trong những nội dung rất được quan tâm. Tại TP.HCM, công tác này được chú trọng ra sao ?
Ông Tăng Cẩm Vinh: Vấn đề chính của Đại hội lần này là các dân tộc phải tham gia đại hội. Ban chỉ đạo có sự chỉ đạo tập trung. TP.HCM có 51 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn. Cơ cấu này đảm bảo đủ các thành phần dân tộc khi tham dự đại hội. Ngay cả khi ở các phường cũng phải hiệp thương đại biểu dân tộc từ các phường để tham dự đại hội bầu hiệp thương những đại biểu của dân tộc mình tham dự Đại hội của TP.
- Thưa ông, việc tổ chức đại hội có ý nghĩa như thế nào ? và sau mỗi kỳ đại hội, những đề đạt, kiến nghị của Ban Dân tộc TP đối với công tác này là gì ?
Ông Tăng Cẩm Vinh: Về ý nghĩa của Đại hội, tôi cho rằng, đồng bào dân tộc thiểu số TP.HCM thông qua đại hội lần này sẽ kiến nghị với lãnh đạo thành phố cần quan tâm thêm những vấn đề gì trong đời sống xã hội. Những nguyện vọng, đề đạt của đại biểu tham dự Đại hội sẽ được Ban Dân tộc TP tổng hợp các ý kiến trình bày trước Đại hội, Thành ủy, Ủy ban. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, và cũng là cơ hội đồng bào dân tộc biểu đạt những tâm tư, nguyện vọng của mình đến với đại hội.
Cảm ơn ông.