Tại phiên họp, Đại biểu (ĐB) Trần Công Phàn (tỉnh Bình Dương) tranh luận không đồng ý đổi tên luật từ Luật CCCD thành Luật Căn cước chỉ vì để mở rộng đối tượng điều chỉnh.
ĐB cho rằng, thẻ CCCD là để dành cấp cho công dân Việt Nam, còn với hơn 31.000 đối tượng người Việt gốc Việt Nam không xác định được quốc tịch thì có thẻ khác để quản lý, để tạo điều kiện cho họ.
“Không thể vì 31.000 người đó mà cả 80 triệu công dân Việt Nam phải đổi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước”, ĐB Trần Công Phàn phát biểu, ông cho rằng, thẻ căn cước công dân phải có từ công dân, do đó không đồng ý đổi tên từ Luật CCCD thành Luật Căn cước.
Cũng tranh luận, ĐB Lê Hoàng Anh (tỉnh Gia Lai) bày tỏ đồng ý với lập luận của đại biểu Phàn.
Đại biểu Lê Hoàng Anh nói từ công dân đã chỉ đích danh con người, còn dùng từ căn cước không chỉ đích danh con người được. Bởi hiện cả cây trồng, vật nuôi cũng dẫn tới truy xuất nguồn gốc, định danh cho từng loại cây, con vật.
Về lý do cấp căn cước cho người gốc Việt sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định quốc tịch, ông đề nghị cần nghiên cứu kỹ...
Một số ý kiến cũng cho rằng cần cân nhắc vấn đề này, làm rõ các quy định khi cấp, hoặc nên cấp thẻ căn cước tạm thời cho đối tượng người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đề nghị cân nhắc việc bỏ nơi sinh ở thẻ CCCD, bởi điều đó giúp cho việc nhận diện con người, và cũng chỉ cơ quan, tổ chức được khai thác thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sử dụng thiết bị chuyên dụng được Bộ Công an cấp phép thì mới được khai thác thông tin tích hợp trong thẻ.
ĐB Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, có thể thiết kế lại những thông tin trùng lắp, không cần thiết như nhóm máu, nơi ở hiện tại (công dân có thường trú, tạm trú), ngày tháng năm chết hoặc mất tích, tình trạng khai báo tạm vắng…
ĐB cho rằng, cần quy định cụ thể thông tin nào buộc phải cập nhật và thông tin nào chỉ để áp dụng cho những trường hợp cá biệt. Thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước về nghề nghiệp, ADN cũng nên cân nhắc, vì nghề nghiệp có thể thay đổi theo thời gian, ADN không phải ai cũng đi xét nghiệm, nếu buộc công dân xét nghiệm thì rất tốn kém...
Thay mặt cơ quan soạn thảo trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, đại tướng Tô Lâm - bộ trưởng Bộ Công an cho biết, về tên gọi của dự luật, đa số ý kiến nhất trí với tên gọi là Luật Căn cước nhằm đảm bảo tính bao quát, đầy đủ, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật. Nhưng một số đại biểu có ý kiến đề nghị cân nhắc việc sửa đổi tên luật do việc sử dụng cụm từ căn cước công dân đã phổ biến.
Bộ Công an sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ và phối hợp với các cơ quan liên quan của Quốc hội có tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật cho phù hợp, đảm bảo hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.