Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc thu hẹp phạm vi công chứng

VOH - Sáng 25/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Đại biểu Tô Văn Tám tán thành Tờ trình của Chính phủ và đánh giá cao Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và có một số ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Thứ nhất, về độ tuổi được dự thảo Luật lần này bổ sung tại khoản 1 Điều 8 là không quá 70. Theo đại biểu Tô Văn Tám, dịch vụ công chứng là dịch vụ do Nhà nước ủy nhiệm, đòi hỏi về năng lực, trí lực và yêu cầu cao.

Thứ hai, về thẻ công chứng viên quy định tại khoản 1 Điều 36, công chứng viên chỉ được hành nghề công chứng sau khi được Sở Tư pháp cấp thẻ. Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, quy định như vậy là chưa phù hợp, và nên bỏ quy định này.

Luat con chung 2024
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Thứ ba, về tổ chức hành nghề công chứng, dự thảo quy định về một loại hình hợp danh, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng quy định như vậy chưa phù hợp với chủ trương xã hội hóa dịch vụ công hiện nay, đồng thời quy định này hạn chế quyền tự do lựa chọn hình thức cung cấp dịch vụ của văn phòng công chứng, gây khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu công chứng của người dân đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Cuối cùng về công chứng bản dịch, khoản 1 Điều 2 quy định đã thu hẹp phạm vi công chứng.

Theo đại biểu Tô Văn Tám, Tờ trình của Chính phủ chưa nêu rõ cơ sở việc thu hẹp này, trong báo cáo tác động chính sách đề nghị xây dựng luật có nhận định không ít trường hợp người dân muốn công chứng bản dịch để phục vụ nhu cầu dân sự, học tập nhưng tổ chức công chứng từ chối vì thiếu khả năng ngoại ngữ. 

Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, đây là yếu tố chủ quan và có thể khắc phục được bằng cách xây dựng đội ngũ công chứng viên giỏi nghiệp vụ và thông thạo ngoại ngữ đồng thời xây dựng kết nối công chứng viên, phiên dịch viên. Do vậy, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc thu hẹp phạm vi này.

Rà soát quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh quan tâm tới quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng, đại biểu nêu rõ, tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật có quy định: Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ thời điểm được công chứng viên ký tên và tổ chức hành nghề công chứng đóng dấu vào văn bản.

 

Theo đại biểu, quy định như vậy là chưa tương thích với khoản 1 Điều 401 của Bộ Luật dân sự 2015. Theo đó, Bộ Luật dân sự quy định theo hướng các bên có thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng vào một thời điểm khác với thời điểm giao kết, trừ khi luật liên quan có quy định khác. 

 

Đồng thời quy định như dự thảo Luật cũng chưa tương thích với khoản 1 Điều 643 của Bộ luật dân sự rằng di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế chứ không phải có hiệu lực từ thời điểm công chứng viên ký tên và đóng dấu của tổ chức hành nghề vào di chúc.

Do đó, đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung quy định về hiệu lực trong trường hợp ngoại lệ là luật liên quan có quy định khác- như Bộ Luật dân sự đã quy định và sửa khoảng 1 Điều 5 thành: “Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ thời điểm được công chứng viên ký tên và tổ chức hành nghề công chứng đóng dấu vào văn bản, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.”

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị xem xét trường hợp với công chứng điện tử thì hiệu lực có phù hợp với quy định này hay không?

Về chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng, đại biểu chỉ ra rằng, khoản 1, khoản 2 Điều 26 mâu thuẫn với Điều 20 của dự thảo Luật. Đại biểu cho rằng cần sửa lại một số nội dung này để đảm bảo tính thống nhất trong dự thảo Luật, tránh gây ra những cách hiểu nhầm lẫn.

Bình luận