Đưa ra ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Lý Tiết Hạnh cơ bản tán thành với việc sửa đổi toàn diện dự án Luật này. Đại biểu chỉ ra rằng, tình trạng mua bán người diễn ra với những hoạt động rất phức tạp, phạm vi rộng; không chỉ liên quan đến pháp luật Việt Nam mà còn liên quan đến các Cam kết, Công ước quốc tế.
Qua nghiên cứu khái niệm mua bán người và có tham khảo các Nghị định thư về về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đại biểu cho rằng Nghị định thư đã liệt kê rất đầy đủ các hành vi, thủ đoạn, mua, bán người. Trong khi đó, dự thảo Luật mới chỉ liệt kê một số thủ đoạn phổ biến.
Đại biểu kiến nghị, đối với các hành vi đã rõ như: sử dụng nạn nhân để làm thí nghiệm; nô lệ tình dục, hiến tạng, hành vi bắt cóc, cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê; đầu độc nạn nhân, buộc nạn nhân phải đi ăn xin… cần được bổ sung vào khái niệm mua bán người để được đảm bảo bao quát hơn.
Trong thực tế có rất nhiều hành vi biến tướng, núp bóng dưới nhiều hình thức, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi. Do đó, cần nhận diện để làm rõ các yếu tố phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ đầu sẽ hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, trong từng các điều, khoản luật cụ thể cần chú ý các quy định pháp luật nhằm làm rõ nội hàm về phòng ngừa, ngăn chặn; đồng thời rà soát các quy định pháp luật liên quan để sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật cho chặt chẽ và đồng bộ.
Trong đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu cần có các quy định nhằm hạn chế thấp nhất việc lợi dụng, núp bóng những việc nhân văn, tốt đẹp nhưng thực chất đằng sau lại là thực hiện các hành vi mua, bán người.
Qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật, đại biểu Phạm Thị Kiều bày tỏ thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) cũng như một số nội dung quy định trong dự thảo Luật.
Quan tâm tới một số nội dung liên quan tới khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật, đại biểu cho biết, quy định trên đã liệt kê các hành vi cụ thể của mua bán người với các động cơ và mục đích khác nhau. Quy định như vậy là dễ hiểu, dễ áp dụng khi triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định trên vẫn không bao hàm hết các hành vi, mục đích nên cần tiếp tục rà soát, bổ sung để đảm bảo đầy đủ; ví dụ như hành vi hoán đổi người giữa các cơ sở giải trí, các khu lao động,.. khi họ có nhu cầu mà những người này là nạn nhân của mua bán người trước đó.
Đề cập đến trường hợp việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác được coi là mua bán người, ngay cả khi việc này được thực hiện mà không sử dụng các thủ đoạn trên.
Đại biểu nhận thấy, quy định người dưới 18 tuổi cơ bản phù hợp, tuy nhiên, cần xét đến khía cạnh đối tượng tham gia hành vi mua bán người là một tội phạm, mà theo quy định của Bộ luật Hình sự thì có hai tội là tội mua bán người (Điều 150) và tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151).
Như vậy, Bộ luật Hình sự đã có những quy định cụ thể đối với loại tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi. Đại biểu đề nghị cần rà soát, điều chỉnh quy định này nhằm đảm bảo thống nhất để áp dụng thi hành trong thực tiễn xử lý tội phạm mua bán người.
Đồng thời, cần nghiên cứu thống nhất độ tuổi trẻ em giữa các Luật Trẻ em, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự,...