Chờ...

Đại biểu Quốc hội: Đề nghị quyết liệt cải thiện, tăng năng suất lao động

VOH - Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024,...

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đánh giá cao kết quả đạt được trong 9 tháng năm 2023, nhưng vẫn còn 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là năm thứ ba liên tiếp không đạt chỉ tiêu này.

Đại biểu lo ngại tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đang có xu hướng giảm và thấp hơn mức bình quân của giai đoạn trước.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung ba nguyên nhân nêu tại Báo cáo số 577 của Chính phủ, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt đối với chỉ tiêu này.

Đại biểu Quốc hội: Đề nghị quyết liệt cải thiện, tăng năng suất lao động 1
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của độ mở nền kinh tế đến nước ta. Từ đó có giải pháp để xây dựng nền kinh tế tự chủ hơn, có khả năng thích ứng tốt hơn theo quan điểm phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại.

Về giải pháp trong thời gian tới, theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, tại Kỳ họp này, Chính phủ đã báo cáo việc thực hiện các kế hoạch, chương trình 5 năm gửi đến Quốc hội, trong đó, đề xuất 52 nhóm giải pháp và nhiệm vụ.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị phải rà soát kỹ để bảo đảm tính liên thông, kết nối và tương hỗ trong các báo cáo, nhất là về nguyên nhân và bài học kinh nghiệm cũng như các giải pháp và nhiệm vụ.

Trên cơ sở rà soát, đề nghị Chính phủ xác định những giải pháp nào là trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá để tập trung thực hiện, không dàn trải và bảo đảm tính khả thi cao.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/1 tuần xuống 44 giờ/ 1 tuần, tiến tới 40 giờ/1 tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ 1999).

Theo ông Nghĩa, đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới.  

Xử lý các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, doanh nghiệp cũng đã và đang đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn giảm.

Một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng và số doanh nghiệp giải tán, phá sản cũng tăng lên.

Tại kỳ họp này, Chính phủ có Báo cáo số 20 về tình hình kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả (12 dự án).

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm nhận thấy, tiến độ thực hiện còn rất chậm, nhiều vấn đề tồn tại chưa được xử lý, đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần khẩn trương, quyết liệt hơn nữa, có biện pháp xử lý đồng bộ, cụ thể cả trước mắt và lâu dài đối với 12 dự án.