Đại biểu Quốc hội góp ý xử lý sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng

VOH - Chiều nay (10/6), tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết từ sự kiện của các ngân hàng ở Việt Nam, hay trên thế giới vừa qua,  cần thiết kế thêm các quy định đề phòng rủi ro mang tính chất hệ thống, để khi xảy ra sự cố thì hệ thống có thể chống đỡ hiệu quả. 

Đại biểu cũng quan tâm đến việc xử lý sở hữu chéo liên quan đến các tổ chức tín dụng. Đại biểu cho rằng, vấn đề đặt ra là cần chấm dứt tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống tín dụng. Những quy định trong Điều 55, Điều 127 trong dự thảo chưa đủ mạnh để chấm dứt tình trạng sở hữu chéo. 

Đại biểu Quốc hội góp ý xử lý sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng 1
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai 

Cùng quan tâm đến nội dung này, Đại biểu Nguyễn Hải Trung - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng là vấn đề đáng lo ngại.

Dự thảo Luật sửa đổi, điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu của các cá nhân, tổ chức tăng tính đại chúng của các tổ chức tín dụng và mở rộng thêm các diện đối tượng liên quan là cần thiết nhưng các giải pháp nêu trong dự thảo chỉ là giải pháp kỹ thuật để hạn chế các cổ đông lớn. 

Đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng cần nghiên cứu bổ sung nghiên cứu 2 vấn đề. Một là, bổ sung thêm các quy định, tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế hành vi lạm quyền cổ đông lớn, quyền quản trị điều hành để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Hai là phải cần nghiên cứu, đề xuất thêm các biện pháp, giải pháp để quản lý, kiểm soát việc lách luật, sử dụng nhiều cá nhân pháp nhân khác đứng tên cổ phần tạo nhóm cổ đông lớn để điều hành các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ thống nhất với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về sự cần thiết ban hành luật.

Cho ý kiến về ngân hàng chính sách, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị có giải thích rõ quy định ngân hàng chính sách không thực hiện dự trữ bắt buộc như ngân hàng thương mại khác.

Ngân hàng chính sách tỷ lệ rủi ro rất cao, khả năng mất cân đối là khá lớn vì phần lớn cho vay đối tượng yếu thế, đối tượng khó khăn, không có tài sản đảm bảo. Nếu không có dự trữ bắt buộc sẽ rất khó khăn trong nguồn vốn nếu bị rủi ro.

Bình luận