Đại biểu Quốc hội: Nguy cơ bùng phát một số bệnh do thiếu vắc xin TCMR

VOH – Sáng 29/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Tại phiên họp sáng 29/5, đại biểu Lò Thị Luyến cho biết, theo báo cáo của các địa phương, một số vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã hết.

Theo tính toán, đến tháng 7/2023, các địa phương sẽ không còn vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Như vậy, nguy cơ bùng phát một số dịch bệnh đã kiểm soát và khống chế được đang hiện hữu; kết quả to lớn của chương trình tiêm chủng mở rộng hơn 40 năm qua là có thể bị phá vỡ.

Đại biểu Quốc hội: Nguy cơ bùng phát một số bệnh do thiếu vắc xin TCMR 1
Đại biểu Lò Thị Luyến

Theo đại biểu Lò Thị Luyến, nguyên nhân thiếu vắc xin có nhiều nhưng cơ bản nhất vẫn là vướng mắc trong mua sắm vắc xin.

Đại biểu Lò Thị Luyến cho biết, qua theo dõi Bộ Y tế tham trình Chính phủ, theo đó, Bộ Y tế sẽ tổ chức đặt hàng đối với vắc xin sản xuất trong nước. Khi Bộ Y tế thống nhất giá, các địa phương ký hợp đồng và thanh toán trực tiếp cho nhà cung cấp.

Đối với vắc xin phải nhập khẩu, Bộ Y tế sẽ đấu thầu tập trung, ký hợp đồng khung với nhà cung ứng trên cơ sở hợp đồng khung thì các địa phương sẽ căn cứ hợp đồng đó để ký hợp đồng cung ứng và trực tiếp thanh toán với nhà cung cấp.

Nhưng theo đại biểu Lò Thị Luyến, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết vấn đề thiếu vắc xin trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024.

Để đảm bảo tính ổn định, lâu dài và hiệu quả, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương và giao cho Bộ Y tế mua, cung ứng vắc xin cho địa phương như trước đây.

Đề nghị bổ sung nội dung tiếp tục thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia hằng năm, Chính phủ cân đối nguồn ngân sách trung ương để phân bổ kinh phí cho Bộ Y tế mua vắc xin cung ứng vắc xin tiêm chủng mở rộng cho các địa phương.

Tập trung phát triển y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, ĐBQH Thạch Phước Bình đề nghị cần bổ sung thêm một số giải pháp nhằm phát triển nhân lực y tế dự phòng và nhân lực y tế cơ sở trong thời gian tới…

Để hoàn thiện tổ chức hệ thống y tế, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, cần phát triển theo hướng y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Hiện nay cả nước có rất nhiều trạm y tế xã, phường, thị trấn, thôn, bản. Đại biểu cho rằng, đây là mảng y tế cơ sở trực tiếp, gần dân nhất, được kỳ vọng với vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật.

Tuy nhiên, hiện nay mạng lưới cơ sở y tế cơ sở này chưa chưa đáp ứng cũng như chưa thích ứng sự với thay đổi của cơ cấu bệnh tật, sự phát triển của xã hội cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân.

Giải pháp tổ chức lại hệ thống y tế thực sự là một giải pháp căn cơ nhưng cần có mô hình cụ thể, trong đó cấp khám, chữa bệnh ban đầu cần được xây dựng theo mô hình hoạt động y học gia đình kết hợp cả khu vực tư nhân và hệ thống trạm y tế.

Đặc biệt phải xây dựng được sự kết hợp giữa cách khám, chữa bệnh ban đầu và các tuyến trên, quản lý bệnh nhân theo chiều dọc về chuyên môn, hồ sơ bệnh án, đảm bảo hài hòa về nguồn thu giữa các tuyến…

Bình luận