Đại biểu Quốc hội thảo luận về hoạt động thu, chi tài chính của Công đoàn

VOH - Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, sáng 18/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Việc phân định sử dụng kinh phí công đoàn được cơ quan soạn thảo đề xuất hai phương án. 

Thứ nhất là Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.  Phương án 2 là xác định cụ thể công đoàn cấp trên sử dụng 25%, công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sử dụng 75%.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Phó đoàn Bình Thuận) đề xuất không quy định cứng công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được phân phối 75% và công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%.

Theo ông Thông, nên quy định theo hướng tối thiểu 75% và tối đa 25% để bảo đảm linh hoạt trong điều tiết tổng thể của hệ thống, tùy theo quy mô của tổ chức công đoàn hoặc theo địa bàn.

Ngueyn Huu Thong

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó đoàn Hải Dương) cho rằng không nên quy định cứng tỷ lệ 25% và 75%.Việc điều tiết tỷ lệ cần linh hoạt để tăng cường bố trí nguồn kinh phí cho các hoạt động của công đoàn cơ sở - nơi trực tiếp chăm lo đời sống của người lao động.

Theo bà, kinh phí công đoàn do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng tối đa 25%, còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Còn đại biểu Nguyễn Phi Thường (Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa, Hà Nội) lại chọn phương án giao cho Chính phủ thống nhất quy định cụ thể về công tác thu, quản lý, sử dụng nguồn tài chính Công đoàn.

Điều này sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước về Tài chính Công đoàn minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả hơn, tránh được thất thoát, lãng phí; khắc phục tình trạng chủ doanh nghiệp can thiệp quá sâu vào hoạt động thu, chi tài chính của Công đoàn.

Tại tờ trình dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết trong các nguồn thu cho tổ chức này hoạt động, kinh phí công đoàn do doanh nghiệp đóng chiếm 57-64%, đoàn phí do người lao động đóng 25-27%, nguồn thu khác 11-16% và ngân sách nhà nước khoảng 1%.

Báo cáo của Tổng liên đoàn cho biết giai đoạn 2013-2019, khoảng 81,5% nguồn kinh phí tại cấp công đoàn cơ sở chủ yếu để chi chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho người lao động; Còn lại chi cho lương, phụ cấp và quản lý hành chính.

Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết số dư tài chính cấp cơ sở hơn 12.370 tỷ đồng và ba cấp còn lại trên 30.800 tỷ, tính đến 31/12/2023.

Nguồn tiền kết dư tại công đoàn cấp quận huyện là gần 8.700 tỷ đồng, liên đoàn tỉnh thành và tương đương 15.355 tỷ đồng và Tổng liên đoàn 6.789 tỷ đồng.

Về vấn đề khác, Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Đoàn Long An) đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi).

Trong đó tăng quyền chủ động của Công đoàn trong việc bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thời gian tới, số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên biên chế cho cán bộ công đoàn chuyên trách có giới hạn.

Nguyen Hoang Uyen
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Uyên phát biểu - Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn Tuyên Quang) cho biết, thực tiễn thời gian qua, việc quyết định, bố trí cán bộ chuyên trách tại doanh nghiệp có đông công nhân lao động gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, đại biểu đề nghị Tổng LĐLĐVN có giải pháp đề xuất quy định biên chế phù hợp của tổ chức Công đoàn.

Dự án Luật Công đoàn sửa đổi sau khi được cho ý kiến tại kỳ họp này, sẽ được sửa đổi, bổ sung để Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp 8 (tháng 10).

Bình luận