Đại biểu Quốc hội: Ưu tiên phát triển hành lang kinh tế Tây Nguyên, Đông Nam Bộ

(VOH) – Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng 7/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thảo luận tại Hội trường, Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị khi lập các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh cũng cần phải đánh giá một cách thực chất nhất trên thực trạng về tỷ lệ che phủ rừng.

Đối với định hướng phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên, theo đại biểu Nguyễn Trường Giang, một trong những mục tiêu là phát triển bền vững công nghiệp khai thác bô-xít, chế biến alumin và sản xuất nhôm.

Để đạt được mục tiêu này, cần quan tâm đánh giá đúng khu vực khai thác, chỉ nên tiến hành trên những thân quặng đủ hiệu quả cho khai thác ở quy mô công nghiệp, phù hợp với công nghệ khai thác.

Đại biểu Quốc hội: Ưu tiên phát triển hành lang kinh tế Tây Nguyên, Đông Nam Bộ 1
Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho rằng cần bổ sung quan điểm tổ chức không gian phát triển liên quan đến tài nguyên và khoáng sản. Trong thời gian tới cần có giải pháp cụ thể để khai thác, sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính....

Về định hướng phát triển không gian kinh tế xã hội, Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, phát triển hành lang kinh tế chia ra làm hai loại: Các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn 2030 và các hành lang kinh tế từng bước hình thành và phát triển. Đại biểu đề nghị chuyển mục tiêu hình thành hành lang kinh tế theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc phía Tây ở phía Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, sang mục các hành lang kinh tế được ưu tiên phát triển.

Đại biểu Quốc hội: Ưu tiên phát triển hành lang kinh tế Tây Nguyên, Đông Nam Bộ 2
Các đại biểu tại Hội trường Quốc hội. 

Đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn ĐBQH TPHCM đánh cao bản quy hoạch đã định hướng đến việc phát triển kinh tế Việt Nam định hướng theo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số...

Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, cần chú trọng đến 4 vùng kinh tế trọng lực: Hà Nội, TPHCM cần quan tâm hơn đến đường sắt đô thị...Các đô thị của những vùng động lực này phải tính toán tới sự phát triển của các đường sắt đô thị, kết nối với hạt nhân đang phát triển.

Về hành lang kinh tế cần phải phát triển kinh tế theo trục Bắc - Nam, với hai hành lang quan trọng là Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh ở phía Bắc và ở phía Nam là TPHCM, Bà Rịa- Vũng Tàu phải gắn với kinh tế cửa khẩu.

Theo đại biểu, phải tính toán thêm về kinh tế mậu biên và cửa khẩu. Vì kết nối kinh tế mậu biên và khu vực dọc biên giới, kinh tế biên giới cũng khá quan trọng, có sự giao thoa giữa giữa Việt Nam và các nước lân cận.

Bình luận