Chờ...

Đại tướng Lê Đức Anh - Người cộng sản kiên cường, nhà quân sự xuất sắc

(VOH) - Trên bất kỳ cương vị nào, Đại tướng Lê Đức Anh đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc với bạn bè và nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân cả nước.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Lê Đức Anh đã có mặt trên nhiều chiến trường khó khăn ác liệt, chỉ huy, trực tiếp chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như trong cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ở phía Tây Nam và giúp cách mạng Campuchia đánh đổ chế độ Khmer đỏ diệt chủng để hồi sinh, xây dựng lại đất nước Campuchia. Gần trọn cuộc đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng, với Đảng, với quân đội.

Trên bất kỳ cương vị nào, Đại tướng Lê Đức Anh đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc với bạn bè và nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân cả nước.

Đại tướng Lê Đức Anh - Người cộng sản kiên cường, nhà quân sự xuất sắc. Ảnh: TTXVN 

Đại tướng Lê Đức Anh - Người cộng sản kiên cường, nhà quân sự xuất sắc. Ảnh: TTXVN 

Luôn phấn đấu vì lợi ích chung của Đảng, của nhân dân, của dân tộc, hết lòng yêu thương gắn bó với nhân dân, gắn bó với Tổ quốc thì dù khó khăn, gian khổ ác liệt và hiểm nguy đến đâu chúng ta cũng vượt qua được. Đó là lời tâm huyết của vị Đại tướng trong cuốn hồi ký của mình…

Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, phải chứng kiến cảnh người dân nô lệ mất nước, đã hun đúc lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh. Cuộc đời hoạt động của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, để lại nhiều dấu ấn quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân Việt Nam. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Nhắc đến Đại tướng Lê Đức Anh là nhắc đến một vị tướng trận mạc mà cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí gắn chặt với nhiều mốc son lịch sử của dân tộc.

“Đồng chí Đỗ Mười, Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đã từng nhận định đồng chí Lê Đức Anh là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta để lại nhiều bài học quý báu cho thế hệ hôm nay”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói.

Nhiều năm gắn bó và là người kế nhiệm, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cho rằng: Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, là một vị tướng toàn tài. Khi được giao nhiệm vụ chính trị, đồng chí luôn gắn chặt chẽ 2 mặt quân sự quốc phòng và chính trị xã hội. Đồng thời, là người luôn sát cánh cùng các nhà lãnh đạo khởi xướng và chỉ đạo công cuộc đổi mới đất nước.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cho biết: ”Những năm đầu thập niên 90, sau khi chúng ta tuyên bố đường lối đổi mới thì cả đổi mới về chính sách đối ngoại, mục tiêu hàng đầu đối ngoại lúc bấy giờ là tháo gỡ bao vây cấm vận. Muốn tháo gỡ bao vây cấm vận thì trước hết là từ Mỹ và Trung Quốc, rồi đến các tổ chức tài chính tiền tệ khác có liên quan. Đồng chí Lê Đức Anh là một trong những người rất tích cực đóng góp thể hiện lập trường mềm dẻo đối với Trung Quốc và Mỹ, để từ thù địch chuyển dần sang trạng thái hợp tác cùng có lợi. Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước vào những năm đầu thế kỷ trước đã dồn công sức cho việc này rất lớn và đồng chí Lê Đức Anh là một trong những người đóng góp tích cực, kể cả trong việc cải thiện quan hệ, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và với Mỹ”.

Đại  tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước cũng là người đề nghị và được chấp nhận việc phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng để tôn vinh và ghi công sự cống hiến của các mẹ cho độc lập tự do của Tổ quốc và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau.

Như nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cho biết ông đặc biệt ấn tượng về việc nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh - người đưa sáng kiến, thúc đẩy việc cần ra một Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Là tướng lĩnh, trưởng thành từ một chiến sĩ đi lên và trải qua tất cả các cuộc chiến tranh của đất nước nên Đại tướng Lê Đức Anh rất thông hiểu, biết rõ sự hy sinh to lớn của cả dân tộc, đặc biệt, trong đó có các bà mẹ Việt Nam anh hùng.

“Chính sách đó trước đây thực hiện ở mức độ, nhưng chính thức trở thành văn bản pháp luật của Quốc hội thì có ý nghĩa khác. Chính là vai trò của đồng chí Lê Đức Anh trình với Quốc hội để có văn bản tầm cao mà Quốc hội thông qua. Đấy là việc làm có ý nghĩa và từ đó trở thành hiện tượng chính tắc về mặt pháp lý để chúng ta thực hiện và tất cả các cấp lãnh đạo từ trên xuống dưới, toàn nhân dân hiểu và thực hiện, làm cho dâng trào tình cảm với bà mẹ Việt Nam anh hùng”, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão nói.

99 năm tuổi đời, hơn 80 năm hoạt động cách mạng đến khi về cõi vĩnh hằng, Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, đã kinh qua nhiều cương vị công tác, nhưng dù ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào ông luôn thể hiện đức hy sinh, lòng dũng cảm, trí thông minh; luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc và quân đội lên trên hết; toàn tâm cống hiến cho Đảng, cho dân tộc; giữ trọn danh hiệu cao quý của người Cộng sản, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Đại tướng Lê Đức Anh mãi mãi xứng đáng là người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, quyết liệt và chí công vô tư.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần - Đồng chí Lê Đức Anh từ trần vào lúc 20 giờ 10 phút, ngày 22 tháng 4 năm 2019 tại Hà Nội.
Anh Sáu Nam - người chỉ huy nghiêm khắc nhưng hết sức tình cảm - Câu chuyện dưới đây được chúng tôi lược ghi theo lời kể của Thiếu tướng Lê Xã Hội, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 9.