Hơn 1.000 đoàn đại diện các cơ quan đoàn thể địa phương đơn vị, lực lượng vũ trang, nhân dân, nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo, các tổ chức cá nhân trong nước và quốc tế đã đến viếng đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch Nước, nguyên cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nhà Tang lễ Quốc gia ở Hà Nội và Hội trường thống nhất tại TPHCM vào sáng 3/5.
Đọc lời điếu trước linh cữu của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điểm lại những cống hiến xuất sắc của đồng chí cho đất nước và dân tộc: Đại tướng, Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là một vị tướng trận mạc, một nhà chỉ huy xuất sắc có tầm nhìn chiến lược có chiến thuật tài tình, linh hoạt xử lý các tình huống phức tạp. Ông là một trong hai sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được phong hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng gắn với nhiều chiến trường: vào Nam ra Bắc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả. Hoà bình lập lại, đại tướng Lê Đức Anh được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách. Ở cương vị nào Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng luôn trăn trở, tìm tòi tâm huyết cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng để tái thiết đất nước, khởi xướng công cuộc đổi mới, phá thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng, Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có những cống hiến xuất sắc đối với đất nước, dân tộc: "Đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh là một nhà chính trị, nhà quân sự tài năng, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ chiến sĩ cả nước yêu quý, kính trọng, học tập và noi theo. Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân ta, với gia quyến, để lại niềm tiếc thương đối với đồng bào, đồng chí, gia đình và bạn bè quốc tế".
Lãnh đạo cơ quan ban ngành tại TPHCM viết vào sổ tang tưởng nhớ nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh - Ảnh: Lệ Loan
Trước đó, tại lễ viếng, trang trọng viết vào sổ tang tưởng nhớ Đại tướng Lê Đức Anh, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân ghi: “Vô cùng thương tiếc và tưởng nhớ vị tướng tài ba quả cảm trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, là Phó Tư Lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp Cách mạng của Đảng và dân tộc ta, gắn bó sâu nặng với nhân dân Nam Bộ, với quân dân Sài Gòn - Gia Định - TPHCM. Một nhà lãnh đạo xuất sắc, có tầm nhìn sâu rộng trong những vấn đề chiến lược, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước và mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Xin kính cẩn nghiêng mình tiễn đưa đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh – Chú Sáu Nam về yên nghỉ trong lòng đất Nam Bộ Thành Đồng Tổ quốc”.
Tại Hội trường Thống Nhất, ông Phạm Văn Cảnh – Phó Chủ tịch Tỉnh ủy Tỉnh Long An cũng ghi vài dòng vào sổ tang tướng nhớ: “Đồng chí Lê Đức Anh là nhà lãnh đạo lớn của Đảng, nhà nước và nhân dân ta, người cộng sản kiên trung, người chỉ huy quân sự tài ba, suốt đời chiến đấu hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân…”.
Vừa là đồng hương, đồng đội cùng vào ra chiến trường xông pha lửa đạn, có quá nhiều kỷ niệm về người đồng chí đồng đội của mình, Đại tá Nguyễn Văn Hanh, nguyên Chính ủy Trung đoàn 10 kể, lúc bấy giờ Trung đoàn 10 dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Đức Anh – Tư lệnh quân khu 9, ông rất kính phục tài chỉ huy và đức độ của đồng chí Lê Đức Anh. Nhớ về những kỷ niệm khó quên với người lãnh đạo của mình, đại tá Nguyễn Văn Hanh cho biết có 3 điều không thể quên.
Sau Hiệp định Pari, Trung Đoàn 10 đánh chiếm khu Long Mỹ ở Cần Thơ. Lúc đó, chiến trường rất ác liệt, đồng chí Lê Đức Anh đến thăm và động viên anh em. Đồng chí cũng dự liệu được các tình huống sẽ xảy ra và nhắc nhở anh em: “Hiệp định Pari ký kết nhưng địch sẽ phá hoại, vì vậy các đồng chí đứng lại đánh, không để địch lấn chiếm. Nếu để địch lấn chiếm, mất dân, mất đất là mất tất cả. Dù phải hy sinh chiến đấu cũng không để địch lấn chiếm”.
Trong trận đánh đó, Trung Đoàn 10 đã chiến đấu anh dũng nhưng hy sinh và mất mát cũng rất lớn, mất đi một Trung đoàn phó, một Tiểu đoàn trưởng và rất nhiều cán bộ chiến sĩ. Tuy nhiên với quyết tâm rất lớn, táo bạo và vô cùng sáng suốt được Đảng, Nhà nước thừa nhận, đã đem lại chiến thắng lớn sau Hiệp định Pari 1973.
Đại tá Nguyễn Văn Hanh, nguyên Chính ủy Trung đoàn 10 kể lại những kỷ niệm từng gắn bó với Đại tướng Lê Đức Anh - Ảnh: Lệ Loan
Một ký ức khác cũng khắc sâu trong lòng Đại tá Nguyễn Văn Hanh, bấy giờ ở chiến trường Campuchia được 10 năm, sau này rút quân về, đồng chí Lê Đức Anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng. Thời điểm đó, chiến tranh căng thẳng diễn ra ở biên giới Trung Quốc, cũng với quyết tâm táo bạo, rút tất cả các đơn vị chủ lực ở biên giới về phía sau, giảm 2/3 gần 1 triệu quân lực lượng bộ đội chủ lực, quân đội giảm biên chế, đỡ bớt gánh nặng cho nhân dân do ngân sách quốc phòng lúc đó chiếm đến 25% GDP. “Năm 1979-1989, tôi cũng sang Campuchia 10 năm và cụ chỉ huy bên đó 10 năm, chỉ huy quân đội nhân dân Việt Nam đánh sập chế độ Pôn Pốt giải phóng Campuchia, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi diệt chủng", Đại tá Nguyễn Văn Hanh kể.
Từng cùng đồng chí Lê Đức Anh trên đoàn tàu Không số, ông Hồ Văn Kiêm, nguyên Lữ đoàn Trưởng đoàn Tàu Không số nhớ lại: “Trước đây khi vận chuyển vũ khí vào miền Nam, có lần chở đồng chí Lê Đức Anh vào Quân Khu 9 đi từ Bắc vào Nam để đồng chí làm nhiệm vụ. Lần đó sóng to gió lớn nhưng đồng chí là một người gương mẫu, cùng anh em, giúp anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Ông Hồ Văn Kiêm, nguyên Lữ đoàn Trưởng đoàn Tàu Không số chia sẻ - Ảnh: Lệ Loan
Ông Nguyễn Văn Phụng, Bí thư Huyện uỷ Bình Chánh, cảm nhận rõ sự đổi thay của đất nước trong khoảng thời gian 1992-1997, giai đoạn ông Lê Đức Anh giữ trọng trách Chủ tịch nước. Theo ông Nguyễn Văn Phụng, thời đó, đất nước ta đang trong giai đoạn đổi mới, có nhiều sự phát triển. Đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp cho đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển. Minh chứng cho thấy là đất nước chúng ta ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng khấm khá hơn, mối quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới ngày càng được mở rộng. Đồng chí tạo được nền tảng, giúp đất nước ta phát triển, đi lên như ngày hôm nay.
Trưa hôm nay 3/5, linh cữu Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh đã được di quan vào TPHCM. Lễ an táng diễn ra từ 17 giờ chiều cùng ngày tại nghĩa trang TPHCM, quận Thủ Đức.