Đại tướng Lê Đức Anh - Những năm tháng sống và chiến đấu ở chiến trường Tây Nam Bộ

(VOH) - Những năm 1969-1973, trên cương vị Tư lệnh Quân khu 9, đồng chí cùng tập thể Khu ủy lãnh đạo, chỉ huy quân và dân miền Tây Nam Bộ vượt qua giai đoạn khó khăn, ác liệt nhất.

Đồng chí Lê Đức Anh để lại trong lòng quân và dân miền Tây Nam Bộ hình ảnh một chỉ huy quân sự tài ba, với bản lĩnh chính trị vững vàng; tinh thần cách mạng tiến công; gắn bó với dân, với cán bộ, chiến sĩ; khả năng tổng hợp phân tích tình hình sắc sảo, quyết đoán, kịp thời đề xuất những chủ trương sáng tạo, đúng đắn, đưa phong trào cách mạng của quân và dân nơi đây vượt qua khó khăn, phát triển có tính bước ngoặt.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của ta, địch tập trung lực lượng phản kích quyết liệt, đẩy lực lượng ta ra khỏi thành phố, thị xã. Chúng đẩy mạnh các chương trình bình định, lấn chiếm nhanh chóng các vùng nông thôn rộng lớn. Trong vòng một năm, ở nhiều địa phương, cán bộ, lực lượng vũ trang cơ sở không bám được địa bàn; quần chúng né tránh bom đạn, chạy ra vùng địch kiểm soát… Quân và dân miền Tây Nam Bộ bước vào thời kỳ khó khăn nhất, tưởng chừng như không vượt qua được.

Đại tướng Lê Đức Anh - Những năm tháng sống và chiến đấu ở chiến trường Tây Nam Bộ

Chủ tịch nước Lê Đức Anh lên buồng lái máy bay chiến đấu Su-27 trong chuyến thăm Trung đoàn Không quân 937, Quân chủng Không quân Việt Nam, ngày 1/5/1996. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)

Trước tình hình Khu 9 đang gặp nhiều khó khăn, tháng 7/1969, Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Đức Anh về làm Tư lệnh Quân khu 9. Sau đó, đồng chí Võ Văn Kiệt được điều về làm Bí thư Khu ủy - Chính ủy quân khu. Là một cán bộ quân sự năng động, luôn bám sát chiến trường, dám nhìn thẳng vào sự thật, nên khi về đến Khu 9, đồng chí Lê Đức Anh cùng tập thể Thường vụ Khu ủy nghiêm túc đánh giá lại tình hình địch - ta từ sau Tết Mậu Thân; phân tích những thuận lợi cơ bản của chiến trường để chỉ đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang đánh địch.

Chỉ trong thời gian ngắn, trên cơ sở thống nhất chủ trương trong Thường vụ Khu ủy, đồng chí Lê Đức Anh với vai trò Tư lệnh quân khu đã đưa ra những quyết định quan trọng về mặt quân sự: Phòng ngự bám trụ chiến đấu theo hình thức phòng ngự linh hoạt, kết hợp phản công đánh vào một số cứ điểm. Phòng ngự bám trụ tiêu hao địch, giữ vững trận địa. Địch chốt ở đâu thì vây lại, đánh liên tục bằng nhiều hình thức, làm cho địch phải co lại… Nắm vững thời cơ kiên quyết phản công địch. Phải xây dựng và phát triển lực lượng, nhất là củng cố, xây dựng bộ đội chủ lực mới tạo được điều kiện để phản công và mới phá được thế tiến công của địch.

Thực hiện chủ trương này, dưới sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của đồng chí Lê Đức Anh, trên tinh thần tích cực tiến công và phản công bằng những phương thức thích hợp, quân và dân miền Tây Nam Bộ đã phá thế kìm kẹp của địch ở nhiều nơi, mở được một số vùng giải phóng, phát triển thế làm chủ của nhân dân. Từ đó, ta vượt qua được những thử thách ác liệt của thời kỳ khó khăn nhất (năm 1969-1971), tạo ra những điều kiện thuận lợi để cùng toàn Miền thực hiện cuộc tiến công chiến lược trong năm 1972.

Đặc biệt, khi đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (tháng 1/1973), nhiều chiến trường ngừng bắn nên địch tranh thủ đẩy mạnh các hoạt động lấn chiếm. Riêng ở Quân khu 9, bản lĩnh người chỉ huy của đồng chí Lê Đức Anh lại càng bộc lộ rõ nét. Đồng chí đã đánh giá đúng bản chất kẻ thù, sớm xác định hành động phá hoại hiệp định của địch nên kịp thời đề xuất với Thường vụ Khu ủy, chủ trương: Bố trí 4 trung đoàn chủ lực của quân khu ở địa bàn trọng điểm; đồng thời, chỉ thị cho các lực lượng vũ trang: Đứng vững trên địa bàn quân khu quy định, nếu địch bung ra lấn chiếm thì kiên quyết trừng trị; giữ vững quyền làm chủ hiện có, vận động binh sĩ địch bỏ ngũ; sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt các đơn vị địch xâm phạm vùng giải phóng;…

Nhờ chủ trương đúng đắn, sáng tạo, kịp thời của Thường vụ Khu ủy Khu 9, trong đó có vai trò của đồng chí Lê Đức Anh - Tư lệnh quân khu trong đánh địch bình định lấn chiếm sau Hiệp định Paris giành được thắng lợi, ta đã đánh bại kế hoạch bình định lấn chiếm Chương Thiện của địch, giữ được địa bàn then chốt, tiếp tục củng cố và mở rộng vùng giải phóng. Tại đây, ta đã đánh bại 75 lượt tiểu đoàn địch, tạo điều kiện hỗ trợ các địa phương chống bình định lấn chiếm giành thắng lợi. Sự nhạy bén, sáng tạo của đồng chí Lê Đức Anh cùng tập thể Thường vụ Khu ủy Khu 9 chẳng những không đi chệch đường lối của Đảng mà việc làm đó còn giúp cho Trung ương thấy được thực tế tình hình, kịp thời đưa ra Nghị quyết 21 (tháng 8/1973) có chủ trương, sách lược đúng đắn trong điều kiện có Hiệp định Paris.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân khu 8 và Quân khu 9 sáp nhập thành Quân khu 9. Năm 1976, đồng chí Lê Đức Anh lại được điều về làm Tư lệnh Quân khu 9. Thời kỳ này, ở miền Tây Nam Bộ còn nhiều khó khăn và vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, với vai trò Tư lệnh quân khu, kinh qua hai cuộc kháng chiến, nhất là từng có thời gian công tác ở địa bàn này, nên đồng chí chỉ đạo thành công những công việc lớn, như: Sắp xếp lại tổ chức lực lượng vũ trang quân khu, vừa tham gia xây dựng kinh tế, vừa giữ được lực lượng tại ngũ. Chủ trương thực hiện việc đào tạo nguồn cán bộ cơ sở, làm nền tảng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp sau này. Nhất là khi ta có chủ trương cho ra quân với số lượng nhiều sau khi hòa bình, nhiều địa phương cho chiến sĩ xuất ngũ, thì riêng ở Quân khu 9 lúc bấy giờ đồng chí đã giữ lại 3 trung đoàn và chọn trung đoàn mạnh của Quân khu 8 và Quân khu 9 (cũ) thành lập Sư đoàn 330. Do đó, khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, Quân khu 9 có sẵn lực lượng chủ động đánh địch.

Có thể nói, những năm tháng chiến đấu ở chiến trường miền Tây Nam Bộ dù thời gian trực tiếp công tác trên địa bàn không lâu so với suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí, nhưng đức độ, tài năng, phong cách của Đại tướng Lê Đức Anh mãi mãi là niềm tự hào và là tấm gương sáng cho Đảng bộ, quân và dân miền Tây Nam Bộ, trong đó có lực lượng vũ trang Quân khu 9 học tập, noi theo.

Những cống hiến to lớn của Đại tướng Lê Đức Anh để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về giữ vững quan điểm, nguyên tắc của Đảng; đồng thời linh hoạt, nhạy bén, sâu sát tình hình, sáng tạo trong vận dụng đường lối quân sự của Đảng phù hợp với thực tiễn chiến trường đặt ra, chủ động nắm bắt thời cơ để lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang làm nên những chiến thắng có ý nghĩa quyết định trên chiến trường.

Thời gian lùi xa, nhưng trong tâm trí các thế hệ quân và dân miền Tây Nam Bộ vẫn mãi in đậm hình ảnh vị Tư lệnh Lê Đức Anh - bác Sáu Nam, một trong những người con ưu tú của cách mạng Việt Nam đã từng sống, chiến đấu ở vùng đất cực Nam Tổ quốc!

Lời điếu tại Lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh - Lễ viếng, lễ truy điệu và tiễn đưa nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Đại tướng Lê Đức Anh về nơi an nghỉ cuối cùng đã được tổ chức trọng thể theo nghi thức quốc tang.
Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh và việc bình thường hóa quan hệ với các nước lớn - Đại tướng Lê Đức Anh đã được tin tưởng giao trọng trách “mở đường” trong việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, và ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này.