Đảm bảo trật tự xây dựng - Cần giải quyết từ gốc

(VOH) - Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, tình hình xây dựng trái phép trên địa bàn đang diễn biến ngày càng phức tạp. Chỉ riêng tình trạng xây cất sai phép, không phép, trong quý I/2013 các cơ quan chức năng đã phát hiện trên 980 trường hợp vi phạm.
Nhà xây dựng không phép bị cưỡng chế. Ảnh: LĐO

Từ ngày Nghị định 26 có hiệu lực: không còn lực lượng thanh tra xây dựng quận huyện, phường, xã, thị trấn, trong vòng nửa tháng, trên toàn địa bàn thành phố đã phát hiện gần 2.000 căn nhà xây dựng trái phép; chỉ riêng huyện Bình Chánh đã phát hiện, lập biên bản 240 căn nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp.

Trước thực tế này, Sở Xây dựng vừa trình UBND TPHCM dự thảo Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Theo đó, nhiệm vụ của thanh tra Sở Xây dựng, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong công tác phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm trật tự xây dựng được xác định rõ ràng hơn. Đặc biệt, dự thảo có thêm một chương quy định rõ trách nhiệm phối hợp của các sở-ngành, cơ quan công an và các cơ quan cung cấp điện, nước trong việc không giải quyết cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không giải quyết giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận nhà đất; không giải quyết đăng ký tạm trú, thường trú cho các cá nhân, gia đình vi phạm xây dựng và bị buộc tháo dỡ toàn bộ công trình hoặc chưa chấm dứt hành vi vi phạm; nhằm đảm bảo tính kịp thời trong việc ngăn chặn, xử lý công trình vi phạm. Ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1 nhìn nhận: "Từ trước giờ, nếu có xảy ra thì chủ tịch quận vẫn có quyền đình chỉ ngay cấp phường xã, trên thực tế ví dụ như quận 1 thì vi phạm có xảy ra những chưa có đình chỉ, lâu nay tùy mức độ, thường anh em gặp những khó khăn là quận hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hơn là kỷ luật, chỉ có những trường hợp bao che rõ ràng thì mới xử lý kỷ luật".

Ông Phạm Minh Mẫn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú cho biết, quận đã thực hiện quy chế giám sát cộng đồng trong hoạt động xây dựng trên địa bàn quận từ năm 2009 đến nay. Sau khi tổng kết cho thấy việc vi phạm xây dựng trên địa bàn giảm đáng kể. Quy chế đã thể hiện rất rõ, vai trò của các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, nhất là người dân thực hiện đảm bảo trật tự xây dựng được nâng cao. Quận xem đây là lực lượng chủ yếu để giám sát và phát hiện các trường hợp vi phạm để kịp thời xử lý, đồng thời giám sát việc xử lý và quản lý của các cá nhân và tổ chức trong hoạt động xây dựng. Quận Tân Phú cũng đã đề xuất đề án đảm bảo trật tự đô thị triển khai trên địa bàn, với điểm mới là sử dụng “Cán bộ phát hiện” như một chia sẻ kinh nghiệm. Ông Phạm Minh Mẫn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú nêu kinh nghiệm: "Từ giám sát cộng đồng xin quản lý trong trật tự xây dựng tổng kết lại thấy giảm đáng kể, có nghĩa là 2011 còn 20 vụ sai phép và 6 vụ không phép, 2012 là 15 vụ sai phép và 6 vụ không phép. Như vậy có thể thấy từ ba trăm mấy xuống còn mấy chục, nâng lên một mức chuẩn nữa là đưa vô quy chế thi đua, là khu phố nào mà để xây dựng sai phép, không phép mà không phát hiện kịp thời, không báo kịp thời thì sẽ trừ điểm thi đua".

Với thực tế tại địa bàn, phó chủ tịch UBND Quận 2 – ông Huỳnh Thanh Khiết cho rằng cần xác định rõ hơn trách nhiệm của đội quản lý trật tự xã, phường. Do giới hạn về biên chế, trình độ, năng lực nên cần có sự vào cuộc từ đầu của thanh tra xây dựng địa bàn của Sở Xây dựng. Ông Khiết đề xuất: "Đề nghị trong điều 10 đối với UBND cấp xã với công trình không phép thì chịu trách nhiệm về phát hiện, nhưng mà về xử lý thì đề nghị chuyển cho lực lượng chức năng, tức là thanh tra xây dựng địa bàn xử lý, và xử lý này phải từ đầu tới cuối luôn. Từ tham mưu hồ sơ cho đến lúc là tham mưu hồ sơ cho cấp huyện ký và cấp huyện chỉ kiểm tra lại hồ sơ này, thực ra cũng phải tổ chức một bộ phận kiểm tra lại, chứ còn giao cho bộ phận cấp xã làm trật tự không phép này từ A tới Z thì không xuể".

Đồng tình với ý kiến trên, đại diện quận Bình Thạnh kiến nghị tăng cường nhân sự cho địa phương vì sau khi lực lượng thanh tra xây dựng quận-huyện, phường-xã đã chuyển phần lớn về Sở Xây dựng. Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh - ông Hoàng Song Hà kiến nghị: "Thường đội trật tự đô thị rất nhiều việc, trước đây nhiệm vụ của trật tự xây dựng 10 phần thì hiện nay chỉ rút đi 2 phần, còn 8 phần còn lại là vào đội trật tự đô thị, nhưng con người thì rút đi nhiều hơn. Vừa qua, đội nhiều khi không làm kịp được những việc chính của đội mà rốt cuộc phải đi làm việc trình ký các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, số lượng biên chế của đội hầu như không đáng kể. Phải nâng cao thêm trách nhiệm của thanh tra xây dựng, chẳng hạn như tăng cường chịu trách nhiệm, kiểm tra chịu trách nhiệm phát hiện luôn".

Phó Chủ tịch UBND TPHCM - ông Nguyễn Hữu Tín cho rằng: Khâu yếu nhất trong quản lý xây dựng hiện nay là khâu phát hiện từ cơ sở. Tại sao nhiều căn nhà xây dựng không phép cả năm mới phát hiện ra? Chính quyền địa phương phải biết dựa vào quần chúng để cập nhật kịp thời và nhanh chóng nhất thông tin về vi phạm xây dựng. Để có thể phát huy được kênh thông tin từ người dân, thì giấy phép xây dựng các công trình được cấp phép trên địa bàn phải công khai, để người dân biết, kiểm tra, phản ánh những công trình vi phạm xây dựng cho địa phương. Phải đưa ngay vào quy chế việc minh định, công khai các công trình cấp phép xây dựng và quy chế xử lý trách nhiệm đối với việc địa phương không phát hiện vi phạm kịp thời. Ông Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo: "Đối với trật tự đô thị của các quận - huyện là phải đi vào từ thực tiễn, mỗi quận huyện có một thực tiễn riêng nhưng cái chính là làm sao quản lý được. còn vấn đề về lực lượng biên chế, kinh phí thì tôi đồng tình về chủ trương thôi, còn thực tế thì giao Sở Nội vụ bàn với từng quận - huyện tính toán, với yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn của một quận, một huyện như vậy thì lượng cần là bao nhiêu, trang thiết bị thế nào, kinh phí ra làm sao… nói cho cùng là phải thực hiện cho nghiêm, cho đúng".

Theo ông Nguyễn Hữu Tín, “Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TPHCM” sẽ được ban hành trong tháng 10/2013 này và để quy chế đi vào cuộc sống một cách hiệu quả cần phải có cơ chế kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời. Điều quan trọng là đề phòng, phát hiện ngăn chặn ngay từ đầu. Nếu để xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm, công bằng và cương quyết.