"Dàn dựng là không thể chấp nhận trong nghề báo”

(VOH) – Đó là nhận định của Tiến Sỹ Huỳnh Văn Thông – Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông Đại học KHXH và NV TPHCM liên quan đến phóng sự phá rừng của VTV bị cho là dàn dựng.

Ảnh cắt từ clip Phóng sự điều tra nạn phá rừng ở Đăk Lăk do VTV thực hiện.

Tiến Sỹ Huỳnh Văn Thông nhận định về cơ bản, báo chí không cho phép dàn dựng vì khi đó, dàn dựng đã vi phạm nguyên lý của báo chí là đưa tin, phản ánh đúng sự thật, những gì đã diễn ra.

Người làm truyền hình chỉ được phục dựng – phục hiện lại sự việc đã được phanh phui, rõ ràng nhưng truyền hình không có cơ hội thực hiện lúc diễn ra. Đặc biệt, khi phục dựng hay phục hiện thì cần thông tin để người xem được biết.

Huỳnh Văn Thông, Trưởng khoa Báo chí - Truyền thông Trường ĐH KHXH-NV TPHCM

Theo ông Thông, phóng sự điều tra về phá rừng ở Đăk Lăk của VTV không phải là phục dựng hay phục hiện khi đưa hình ảnh về sự việc đang diễn ra. Nếu chiếu theo kết quả điều theo sơ bộ của Công an Đăk Lăk thì không thể chấp nhận cả về chuyên môn, tác nghiệp và phương diện đạo đức nghề nghiệp. Thậm chí, có biểu hiện vi phạm pháp luật.

Trước đó, chiều 2/8, tại buổi họp báo do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, đại tá Phạm Minh Thắng - Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk thông báo kết quả điều tra, xác minh ban đầu liên quan đến phóng sự phản ánh tình hình khai thác, vận chuyển trái phép gỗ của nhóm phóng viên Chuyển động 24h phát trên kênh truyền hình VTV1 ngày 4 và 5/5.

Đại tá Phạm Minh Thắng - Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk thông tin vụ việc. Ảnh: Zing. 

Theo kết luận, 3 người dân có mặt trong phóng sự cho biết tháng 4, 2 người đàn ông và 1 người phụ nữ đến nhà họ xin được phỏng vấn và quay phim làm phóng sự về nương rẫy. Sau đó, những người này quay cảnh cưa một cây gỗ đã chặt hạ trước đó và một cây còn sống. Làm theo hướng dẫn, vợ chồng ông Dinh, bà Mao được nhóm người trên trả công 500.000 đồng. Ông Tu được 100.000 đồng.

Ngoài ra, Công an địa phương xác định khu vực quay phóng sự là tiểu khu 342A, thuộc lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng. Cánh rừng này do các hộ dân tự khai hoang, sản xuất từ năm 1996, không phải diện tích rừng mới khai hoang, bị chặt phá như phản ánh trong phóng sự…

“Qua xác minh, có một số nội dung phản ánh không đúng, không khách quan, có sự cắt ghép, dàn dựng của phóng viên khi tác nghiệp”, đại tá Thắng Phạm Minh Thắng khẳng định.

Cũng liên quan đến vụ việc này, Ông Nguyễn Ngọc Tý - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk, cho biết Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản gửi Bộ Thông tin – Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam để xử lý theo quy định của pháp luật. 

Sau khi bị tố dàn dựng khi thực hiện phóng sự điều tra nạn phá rừng ở Đăk Lăk phát sóng ngày 4 – 5/5/2016, VTV24 sáng ngày 3/8 thông báo sẽ lần lượt phát sóng lại toàn bộ các phóng sự điều tra phá rừng này trong các Bản tin tài chính kinh doanh và Chuyển động 24h.

Đây không phải là lần VTV bị tố dàn dựng, trước đó đơn vị này từ bị phạt 50 triệu đồng vì đưa vì đưa tin sai sự thật trong phóng sự 'Cây chổi quét rau' ngày 3/5. Ngoài ra, phải cải chính xin lỗi theo quy định của pháp luật.