Thu phí điện tử không dừng (ETC) là hình thức thu phí áp dụng công nghệ tự động nhận diện phương tiện di chuyển qua và trừ tiền vào tài khoản giao thông, vì vậy chủ xe không cần dừng lại tại các trạm BOT để trả tiền.
Hiện trên thị trường có hai loại thẻ thu phí không dừng là ePass của Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (thuộc Viettel) và thẻ e-Tag của Công ty TNHH Thu phí tự động VETC. Về lý thuyết, hai đơn vị này sẽ quản lý các trạm thu phí không dừng và phát hành thẻ để dán trên ôtô, đồng thời kết nối liên thông với nhau nên xe dán thẻ nào cũng có thể đi qua tất cả các trạm thu phí không dừng như nhau.
Xem thêm: Hoàn thành hệ thống thu phí không dừng trước ngày 31/7
Mức phí dán thẻ e-Tag (VETC)
Theo Công ty TNHH Thu phí tự động VETC, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng, VETC vẫn đang dán thẻ VETC miễn phí cho các khách hàng sử dụng dịch vụ VETC lần đầu.
Đối với trường hợp khách hàng đã có thẻ VETC nhưng thẻ bị hỏng, rách, VETC áp dụng chi phí dán lần 2 là 120.000 đồng/lần.
Hiện nay, khách hàng có thể đăng ký dán thẻ thu phí không dừng VETC bằng cách: Dán thẻ VETC tại các trạm thu phí trên toàn quốc hoặc dán trực tiếp tại các điểm dán thẻ VETC trên toàn quốc; dán thẻ VETC tại nhà.
Đặc biệt, VETC đang áp dụng chương trình “Ngày hội dán thẻ VETC” tại các điểm dán trên 4 tuyến cao tốc: Trạm Vực Vòng, Liêm Tuyền, Cao Bồ trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.; Trạm Long Phước, QL51, Dầu Giây trên tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; - Trạm IC4, IC7, IC9, Km6, Km237 trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai; Trạm Túy Loan, Phong Thử, Chu Lai, Quảng Ngãi trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Nếu dán thẻ VETC tại các điểm này, tài xế sẽ được nhận nhiều phần quà giá trị.
Sau khi khách hàng dán thẻ và mở tài khoản giao thông thành công, tư vấn viên VETC sẽ liên hệ hướng dẫn khách hàng các bước tiếp theo. Đồng thời, VETC vẫn đang tặng miễn phí 1 năm sử dụng dịch vụ cứu hộ cứu trợ 24/7 RSA - áp dụng trên toàn quốc khi khách hàng đăng ký dán thẻ tại nhà.
Mỗi phương tiện chỉ có thể sử dụng dịch vụ của 01 nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng. Trong trường hợp bác tài đã dán thẻ ETC của đơn vị khác, bác tài cần hủy đăng ký dịch vụ rồi mới có thể dán thẻ VETC.
Mức phí dán thẻ ePass (VDTC)
Theo Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC), bắt đầu từ ngày 25/7/2022, VDTC áp dụng chính sách thu phí dán thẻ không dừng ePass cho khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ. Theo đó phí dán thẻ ePass là 120.000 đồng/lần (giá bán đã bao gồm VAT).
Khách hàng có thể lựa chọn 1 trong 5 hình thức sau:
- Đăng ký Online: Khách hàng điền form đăng ký. Bộ phận hỗ trợ sẽ liên hệ và hỗ trợ Khách hàng đăng ký tài khoản giao thông và dán thẻ ePass.
- Đăng ký dịch vụ ePass tại cửa hàng Viettel Store.
- Đăng ký dịch vụ ePass tại các điểm bưu cục ViettelPost.
- Đăng ký dịch vụ ePass tại các trạm thu phí BOT do đơn vị VDTC quản lý
- Đăng ký dịch vụ ePass tại các trạm đăng kiểm xe cơ giới liên kết với VDTC
Khi đến điểm dán thẻ thu phí không dừng ở bất kỳ đâu, chủ xe cũng cần chuẩn bị các giấy tờ cần thiết như sau: - Giấy phép đăng ký kinh doanh nếu là chủ doanh nghiệp. - Giấy đề nghị mở tài khoản theo form mẫu có sẵn trên website/ app ePass hoặc biểu mẫu đăng ký tại các điểm làm thẻ của VDTC. - Số CV/QĐ (Nếu là cơ quan nhà nước) - CMT/Thẻ căn cước/Hộ chiếu (Người đại diện hoặc người được ủy quyền): Bản photo hoặc bản sao công chứng còn hiệu lực. - Giấy ủy quyền (Nếu không phải là người đại diện). - Đăng ký xe: Bản gốc hoặc bản sao có công chứng và còn hiệu lực. - Đăng kiểm xe: Bản gốc hoặc bản sao có công chứng và còn hiệu lực. - Giấy vay ngân hàng: nếu là xe trả góp cần có xác nhận từ phía ngân hàng. |