Day dứt làng nghề <br><i>Phần 2: Những “cái tâm” sống mãi với làng nghề</i>

(VOH) - Hiện nay đã có nhiều làng nghề bị khai tử với nhiều lý do, nhưng bên cạnh đó vẫn có những nơi bất chấp những thử thách khắc nghiệt của thời gian và thời cuộc, nhiều nghề truyền thống vẫn tồn tại và đang dần được hồi sinh. Đó là những người thợ đầy tài hoa và tâm huyết âm thầm tiếp tục “giữ lửa” cái nghiệp mà cha ông để lại trong khó khăn, chật vật.
Day dứt làng nghề <br><i>Phần 2: Những “cái tâm” sống mãi với làng nghề</i> 1
Đan đệm tại Tân Thạnh Tây - Củ Chi (ảnh: giaoduc.net)

Hơn 20 năm về trước, Tân Thạnh Tây được coi là làng nghề sầm uất của huyện Củ Chi với nghề đan đệm. Thời bấy giờ, các thương lái, người tiêu dùng ở Đồng Nai, Tây Ninh, Long An hoặc các tỉnh miền Tây đều tìm đến đây mua đệm mỗi khi tới mùa vụ. Thế nhưng đến cuối năm 2008, làng nghề đan đệm tại Tân Thạnh Tây trở nên điêu đứng vì đầu ra bị thu hẹp. Người dân bán đất lập khu công nghiệp và những người thợ đan đệm trước kia cũng trở thành công nhân của các nhà máy, xí nghiệp. Làng nghề chỉ còn lại một vài người lớn tuổi cố bám trụ lại và một trong những người ấy là bà Ba Lơn.



Phải khó khăn lắm, chúng tôi mới tìm được nhà bà, tại ấp 2, năm nay đã gần 70 tuổi, bà cũng là người duy nhất của ấp còn gắn bó với nghề đan đệm: “Tôi thấy cái nghề mình sống được, hồi nhỏ đến lớn ở quê hương xứ sở của tôi là nhờ cái nghề này. Nhỏ lớn giờ họ đan nhiều lắm, già trẻ gì cũng đan hết, mà giờ họ đi làm xí nghiệp hết. Chỉ còn một đến hai người là còn trụ với nghề”.

Nhìn đôi bàn tay run run và gầy yếu của bà cẩn thận vuốt từng cây bàng khô lại rồi từ từ đan, chúng tôi cảm nhận được bà yêu cái nghề này đến nhường nào. Nếu như trước kia chỉ cần một người, một ngày có thể cho ra một tấm đệm thì nay những người lớn tuổi như bà Lơn phải mất đến ba - bốn ngày mới có thể hoàn thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Đệm đan xong có người đến tận nhà thu mua với giá dao động từ 50-80 ngàn đồng/tấm. Số tiền không thấm tháp vào đâu, nhưng đã gần 60 năm gắn bó rồi còn gì, nên bà thương, xót cái nghề khi thấy nó đang dần mất đi. Chính vì vậy, bà đã năn nỉ đứa con gái của mình đừng vào nhà máy làm công nhân mà ở nhà để làm cùng với bà, dù số tiền kiếm được thấp hơn, nhưng bà có thể yên tâm nếu một mai này có mất đi, thì ít ra còn có người nối gót bà gìn giữ cái nghề này. Những nỗ lực của bà đã thành công khi giờ đây, chị Phạm Thị Ngọc Mỹ - con gái bà ngày ngày cùng mẹ ngồi tỉ mẩn bên sản phẩm của mình.

Trời xế chiều, chúng tôi vượt cầu Bà Tàng, tìm về làng nghề dệt chiếu Bình An - phường 7- Quận 8, vốn rất nổi tiếng. Và khi đứng trên vùng đất mà ngày xưa mênh mông những ruộng lát- nguyên liệu dùng để dệt chiếu, chúng tôi được kể nhiều hơn về chiếu Bình An - ngày ấy và bây giờ.

“Thời giải phóng người ta trồng lác để làm chiếu tre đan, sau đó chiếu tre đan không làm nữa thì họ làm đến chiếu này. Hồi tôi còn con gái, tôi làm chỗ đó một giàn - kia một giàn, một nhà 3-4 giàn chiếu vui lắm”. Quan sát bà Bùi Thị Tịch - 70 tuổi và chồng vừa đều đặn đưa những cọng lát vào khung và dây chân mới thấy hết sự nhẫn nại, khéo léo, vất vả của người thợ để làm ra một chiếc chiếu dệt theo phương pháp thủ công. Nếu dệt liên tục từ sáng đến tối sẽ hoàn tất một đôi chiếu. Vậy mà, sau khi trừ hết chi phí, số tiền lời- mà đúng hơn là tiền công họ được trả chỉ vỏn vẹn 50 ngàn đồng. Chúng tôi cứ mãi băn khoăn không hiểu với 25 ngàn đồng tiền công cho mỗi người ấy, họ sẽ sống như thế nào? Và đây cũng chính là câu trả lời "vì sao nghề dệt chiếu dần mất đi". Hiện nơi đây chỉ còn chưa đến 10 người dệt chiếu và đôi vợ chồng bà Bùi Thị Tịnh là trong số 10 người đó vẫn kiên quyết tiếp tục cuộc hành trình gìn giữ nghề truyền thống. Âu đó cũng là cái tâm của người thợ đối với nghề!



Như ở phần 1 chúng tôi có đề cập đến sự đìu hiu của làng nghề đúc lư đồng An Hội - Gò Vấp. Khi đến đây chúng tôi cũng đã có dịp tiếp xúc với ông Hai Thắng, một trong những học trò xuất sắc của cụ Trần Văn Kỉnh- người có công khai sáng nghề này. Gia đình ông Hai Thắng làm nghề đúc lư đồng theo lối cha truyền con nối tính cho tới nay cũng đã 4 đời. Ông kể rằng, “Xưa kia, vào giai đoạn thịnh vượng, lư đồng làng An Hội được đưa đi bán khắp xứ Nam Kỳ lục tỉnh và sang tận Cao Miên, Lào, Miến Điện…Nay tuy nghề không còn thịnh như xưa nhưng tôi vẫn sẽ cố không để nó bị mai một”.


Có lẽ vì thế mà ông đã dành cả đời để truyền nghề cho con và các em của mình. May mắn, có 2 đứa con và 2 người em trai theo nghiệp ông. Năm nay đã gần 65 tuổi, đứng trước sự chọn lựa tiếp tục hay là chuyển sang một công việc khác đối với những truyền nhân như ông Thắng luôn là câu hỏi nhói lòng. Tuy vậy, ông vẫn luôn có một niềm tin là con cháu ông vẫn sẽ kế tục nghề bởi đúc lư vốn đã trở thành một phần máu thịt của họ tộc. “Tôi làm nghề này từ nhỏ đến giờ, tôi yêu nghề, thích nghề, khoái nghề này được tồn tại. Từ yêu thích đó mà tôi không muốn chuyển qua ngành nghề khác. Tôi nghĩ nghề này rồi sẽ bị mai một nhưng tôi vẫn truyền nghề cho con tôi. Cũng mong sau này nghề sẽ được lưu truyền mãi mãi, chứ tôi không muốn nghề đúc lư đồng này mất đi”.


Và những lời chia sẻ của ông Bảy Lò xe, năm nay đã trên 80 tuổi- là nghệ nhân duy nhất còn lại của làng nghề xe bò tại vùng đất Củ Chi không khỏi để những người muốn gìn giữ một phần hồn văn hóa dân tộc phải suy ngẫm: “Bắt đầu vô học nghề ông cha truyền lại là lúc tôi 21 tuổi, yêu nghề lắm vì đó là nghề mà ông cha truyền lại. Bây giờ nghề xe bò mất đi, tôi rất buồn”.

Có những thứ, vượt lên trên tất cả, đó là lòng trân trọng cái nghiệp tiền nhân để lại và trân trọng những giá trị kết tinh từ trong các sản phẩm tinh xảo, được làm nên bằng chính bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ. Nếu mai đây những người thợ không thể níu kéo cái nghề của mình thì đó là một sự tiếc nuối không chỉ của những người trong cuộc.

Có người nói làng nghề truyền thống là phần hồn, là cái làm nên nét văn hóa của vùng đất đó nên rất cần giữ gìn và phát huy. Hy vọng cùng với sự nhiệt huyết, với quyết tâm gìn giữ, thì những chính sách hỗ trợ kịp thời của chính quyền sẽ giúp người đang ra sức giữ nghề sống được với cái nghiệp mà mình trân trọng và đeo đuổi.

>>Phần 1: Đi tìm “một thời vang bóng”