Sáng 26/11, cho ý kiến về Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhiều đại biểu nhất trí với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu khẳng định, giải quyết khiếu nại, tố cáo không chỉ là trách nhiệm pháp lý, mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đánh giá, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri ngày càng được các cơ quan có thẩm quyền, các Bộ ngành, quan tâm chú trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn tồn tại không ít bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả và niềm tin của người dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp băn khoăn về số lượng văn bản trả lời của các bộ, ngành trung ương gửi đến địa phương chủ yếu là cung cấp thông tin, giải trình, còn số văn bản phản ánh việc giải quyết vấn đề rất ít.
Đại biểu dẫn chứng, trong báo cáo việc trả lời cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, có 2.112 văn bản trên tổng 2.160 văn bản kiến nghị được trả lời (chiếm 97,7%) – một con số rất ấn tượng.
Tuy nhiên, số ý kiến cung cấp thông tin là 1.609 (chiếm 79%), còn nghiên cứu, xem xét giải quyết chỉ được 151 ý kiến, chiếm 7,2%, như vậy không đáp ứng được mong muốn của cử tri.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng: “Việc giao cho các bộ, ngành trả lời rất nhiều (trên 2.000 văn bản) cho thấy rằng mất rất nhiều thời gian và hiệu quả theo đánh giá của đại biểu chưa hẳn đã cao và mức độ đáp ứng mong mỏi của cử tri cũng chưa phải là lớn”.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cần có sự nghiên cứu để hoạt động trả lời kiến nghị của cử tri phải thực sự chất lượng, hiệu quả, tránh tính hình thức để tăng cường vai trò, trách nhiệm của Quốc hội, của bộ, ngành trung ương cũng như đáp ứng mong đợi của cử tri”.
Để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị Quốc hội, UBTVQH ban hành quy định rõ ràng về cơ chế phối hợp giữa Quốc hội, Đoàn ĐBQH với các cơ quan hành pháp, tư pháp trong việc tiếp nhận, xử lý và giám sát khiếu nại, tố cáo.
Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo để tăng cường quyền giám sát của Quốc hội, UBTVQH và Đoàn ĐBQH, đặc biệt trong các vụ việc phức tạp. Quy định rõ trách nhiệm xử lý vi phạm đối với các cơ quan chậm trễ, né tránh hoặc không thực hiện kiến nghị giám sát.
Đồng thời, nghiên cứu, xem xét, thống nhất thành lập Phòng Thông tin – Dân nguyện tại tất cả các Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, nhằm thống nhất công tác này tại Đoàn ĐBQH các địa phương trong cả nước.
Xây dựng hệ thống phần mềm quản lý khiếu nại, tố cáo tập trung, kết nối dữ liệu giữa các cơ quan để giám sát toàn bộ quy trình xử lý từ tiếp nhận đến giải quyết. Quy định rõ giới hạn số cấp được phép chuyển đơn, tối đa không quá hai cấp để đảm bảo hiệu quả xử lý.
Công khai thông tin về tiến độ và kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội, tạo điều kiện để người dân theo dõi. Định kỳ tổ chức các buổi đối thoại công khai với cử tri về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là các vụ việc lớn hoặc kéo dài.