ĐBQH kiến nghị nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

VOH - Ngày 2/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nêu quan điểm, thành phần kinh tế nhà nước cần phải là nhà đầu tư chính cho các dự án hạ tầng giao thông chiến lược. Bởi thành phần kinh tế Nhà nước có lợi thế tuyệt đối so với các nhà đầu tư khác về thời hạn thu hồi vốn đối với dự án đầu tư thông thường.

Chủ doanh nghiệp kinh tế tư nhân khi ra quyết định đầu tư thường chỉ tính thu hồi vốn trong khoảng 10 năm, cá biệt có thể lên đến 20 hay 25 năm; nhưng đối với nhà nước thời gian thu hồi vốn có thể lên đến 50 năm thậm chí 70 đến 100 năm.

Đây là một lợi thế tuyệt đối trong đầu tư lợi ích đem lại của các dự án hạ tầng chiến lược về giao thông là lợi ích tổng hợp đa mục đích cả kinh tế - xã hội, thậm chí cả quốc phòng an ninh và chính trị.

ĐBQH kiến nghị nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công 1
Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Với công nghệ thu phí như hiện nay, việc quản lý nguồn thu được khai thác các dự án giao thông chiến lược như đường cao tốc, cầu cảng biển, cảng hàng không đều dễ dàng được thực hiện và giám sát chặt chẽ nên thành phần kinh tế Nhà nước quản lý sẽ không gặp phải thất thoát, loại trừ được thất bại thị trường của kinh tế Nhà nước…

Các nghiên cứu mới nhất về nền kinh tế phát triển đều cho thấy, vai trò của kinh tế nhà nước tại các quốc gia này ngày càng quan trọng và mở rộng thực hiện đúng vai trò dẫn dắt và sửa chữa các khuyết tật của kinh tế thị trường. Đại biểu đề xuất Chính phủ cần có giải pháp để đột phá phát huy vai trò của thành phần kinh tế nhà nước là nhà đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, cũng như quản lý vận hành khai thác các dự án này.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH TPHCM cho biết, bên cạnh các chỉ tiêu về tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tỷ trọng chi ngân sách nhà nước, tỷ trọng vốn đầu tư công trong vốn tổng chi toàn xã hội, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân, Nghị quyết số 29 còn đề cập đến chỉ tiêu số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn.

ĐBQH kiến nghị nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công 2
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH TPHCM

Đại biểu cho rằng, Chính phủ cần có rà soát, đánh giá tiến độ khả năng thực hiện của các dự án giai đoạn 2021 – 2025 một cách cụ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn để thực hiện đạt chỉ tiêu đề ra.

Đối với nguồn vốn đầu tư, đại biểu cho biết, các dự án từ nguồn vốn đầu tư ODA có tiến độ giải ngân chậm nhất do còn vướng nhiều thủ tục với bên vay. Đại biểu cho rằng cần nghiên cứu một số dự án lớn, chuyển từ vay ODA sang phát hành trái phiếu trong nước, giúp tăng lưu thông dòng tiền.

Đại biểu kiến nghị, ngoài hoàn thành hệ thống giao thông đường bộ, cần sớm tập trung quy hoạch, Chính phủ cần sớm đề xuất Quốc hội giải pháp hoàn thiện hệ thống đường sắt quốc gia, hướng đến hệ thống dường sắt vươn tới các tỉnh thành trong cả nước.

Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đại biểu kiến nghị Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện cơ chế để giá bồi thường sớm tiệm cận giá thực tế thị trường, có các cơ chế hỗ trợ thêm cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng, hướng đến đem lại cuộc sống mới tốt hơn cho người dân.

Bình luận