Thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học giải pháp sử dụng hiệu quả vật liệu xây dựng trong xây dựng công trình hạ tầng giao thông, do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 27/9.
Các dự án này có nhu cầu về cát san lấp rất lớn, cần khoảng 53,7 triệu m³ cát san lấp nền. Trong đó, nhu cầu cát san lấp nền của các dự án năm 2023 khoảng 16,78 triệu m³, năm 2024 khoảng 23,63 triệu m³ .
Đến nay các bộ, ngành đã cấp phép 64 giấy phép khai thác cát với tổng trữ lượng khoảng 80 triệu m³, nhưng trữ lượng cát san lấp nền đường chỉ khoảng 37 triệu m³ , đáp ứng 70% nhu cầu của 8 dự án cao tốc trong vùng.
Với giải pháp sử dụng cát sông để đắp nền đường như hiện nay thì trữ lượng của các mỏ cát đang được cấp phép khai thác trong khu vực An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long sẽ không đáp ứng đủ yêu cầu.
Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đã đưa ra 3 giải pháp sử dụng vật liệu xây dựng thay thế. Đó là sử dụng cát biển làm cát san lấp; sử dụng tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp và nền đường ô tô; sử dụng giải pháp đường trên cao bằng bê tông cốt thép.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, Công ty cổ phần Tư vấn Synectics, Viện Kinh tế xây dựng, chuyên gia Trung Quốc,... cũng đã chia sẻ các nghiên cứu khai thác, sử dụng cát biển, kinh nghiệm trong xây dựng cầu cạn, so sánh chi phí đầu tư xây dựng giữa các giải pháp,...